Đổi thay ở xã vùng cao Canh Liên
Canh Liên là xã vùng cao của huyện Vân Canh; toàn xã có 621 hộ, 2.314 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Bana. Những năm qua, cùng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Canh Liên, Nhà nước đã hỗ trợ về nhiều mặt để xã có điều kiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển đi lên.
Từ trung tâm huyện Vân Canh tới xã Canh Liên chỉ có vài chục cây số, nhưng trước đây để đến được trung tâm xã cũng phải mất cả một ngày đường. Hiện nay, đường về Canh Liên đã được đổ bê tông nên chỉ hơn một tiếng đồng hồ đi xe máy là đã đến UBND xã. Giao thông thuận lợi đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa vùng cao với đồng bằng, giúp cho đời sống của người dân Canh Liên được nâng lên một bước.
Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong xã phát triển kinh tế, thông qua các Chương trình 135, 134, 30a…, nên đời sống của bà con đã khá hơn. Bà con đã biết cải tạo đồng ruộng để sản xuất lúa nước, khai thác đất trồng rừng, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Canh Liên, cho biết: “Hiện nay, hầu hết bà con trong xã đều đã ổn định cuộc sống, biết sản xuất lúa nước, hoa màu kết hợp với chăn nuôi. Hàng năm, nông dân trong xã sản xuất được 221 ha lúa nước. Bà con còn nhận chăm sóc, bảo vệ 7.290 ha rừng phòng hộ; trồng hơn 200 ha rừng nguyên liệu. Tổng đàn gia súc của xã hiện có 2.503 con và 1.164 con gia cầm”.
Theo những người có trách nhiệm ở huyện Vân Canh và xã Canh Liên, có nhiều nguyên nhân tạo nên sự đổi thay cho xã vùng cao này, trong đó, quan trọng nhất là quyết tâm vượt khó đi lên của người dân. Nhiều hộ đã thay đổi cách nghĩ cách làm, biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đến nay, hầu hết bà con đều đã có nhà ở cố định, một số đã xây dựng được nhà ngói, 4/8 làng sử dụng điện lưới quốc gia, nhiều hộ mua sắm được các phương tiện nghe nhìn và gần như nhà nào cũng có xe máy.
Hoạt động giáo dục được chú trọng cũng góp phần tích cực cho Canh Liên đi lên. Từ năm 2001, tỉnh đầu tư xây dựng một trường bán trú THCS tại xã với 5 phòng học và 10 phòng ở. Trường Tiểu học xã Canh Liên hiện có 7 điểm trường, một cơ sở chính tại trung tâm xã và 6 cơ sở ở các làng, tổng số học sinh là 374 cháu, trong đó có 132 cháu học mầm non. Ông Lê Minh Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Canh Liên, chia sẻ: “Trước đây, việc vận động học sinh đến trường rất khó khăn, nhưng bây giờ nhận thức của bà con đã thay đổi nhiều, các em trong độ tuổi đi học mà không được đến trường thì được coi như là sự “xấu hổ” của gia đình. Trước đây, mỗi khi đi học các em khóc lóc, trốn chạy, còn bây giờ vì lý do nào đó cha mẹ bắt phải ở nhà, các em vẫn đi học cho bằng được. Một số con em của xã đã học tới cao đẳng, đại học và về địa phương làm việc. Sự chuyển biến trong công tác giáo dục góp phần không nhỏ giúp địa phương phát triển”.
Cuộc sống từng bước được ổn định, bà con càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, loại trừ nạn mê tín dị đoan và những hủ tục lạc hậu... Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, Canh Liên vẫn còn nhiều khó khăn, như thiếu đất sản xuất; không có hệ thống thủy lợi; 4 làng chưa có điện lưới quốc gia; đường bê tông còn ít nên việc đi lại của bà con ở các làng vùng sâu, vùng xa trong mùa mưa rất vất vả…
LÊ PHƯƠNG