Gắn cuộc đời với biển cả
Sở hữu trong tay 4 chiếc tàu cá thuộc loại “khủng”, hàng năm thu nhập tiền tỉ, ông vẫn giữ đầy đủ cái chất bình dị, thật thà của một ngư dân Bình Định. Đó là ông Nguyễn Văn Ái, 64 tuổi, ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ). Gặp gỡ, trò chuyện với ông, tôi thấy rõ đức tính cần cù, chịu khó và ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu ở lão ngư dân này.
Tàu cá công suất 900 CV của ông Nguyễn Văn Ái đang đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Một thời gian khó
Nhà của ông Ái nằm ở trung tâm xã Mỹ An. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, tiện nghi, ông mỉm cười cho biết: “Trước đây, khu vực này chỉ có mấy túp lều tranh, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Nhà tôi cũng vậy, cha mẹ tôi có 11 người con, chung sống trong ngôi nhà nhỏ chật hẹp, cuộc sống đầy khó khăn. Tôi là con trai lớn, nên phải bỏ học từ nhỏ để bám biển mưu sinh, giúp đỡ cha mẹ chăm lo cho các em. Tuổi trẻ của tôi là những ngày dài lênh đênh trên biển. Năm 1972, tôi lập gia đình và 6 người con trai lần lượt ra đời. Đại gia đình tôi sống nhờ vào chiếc ghe nhỏ 12 CV, quanh quẩn đánh bắt con tôm con cá nhỏ ven bờ, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Đã vậy, khi vợ tôi sinh đứa con thứ 3 thì bị bệnh hiểm nghèo, tê liệt toàn thân, nằm một chỗ. Lúc đó, tôi thực sự bế tắc không biết xoay xở thế nào” - nói đến đây, giọng ông chùng hẳn xuống!
Thời điểm đó, nghĩ còn người là còn của, ông quyết định bán chiếc ghe vốn là nguồn sống của cả gia đình để chạy chữa cho vợ, nhưng không thấm vào đâu. Ông lại dỡ hết mấy chục miếng tôn lợp nhà bán nốt. Con ông mới sinh ra đã mất sữa mẹ, khóc gắt suốt ngày. Mẹ ông phải ẵm cháu đi hết làng trên xóm dưới xin bú nhờ. Bố mẹ vợ ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) thương con, bảo ông đưa vợ về Cam Ranh để tiếp tục thuốc thang, chạy chữa. Không có tiền thuê xe, ông đã nhờ 6 thanh niên trong họ tộc khiêng vợ ông từ Mỹ An đi bộ lên ga Phù Mỹ, rồi theo đường tàu lửa khiêng vào đến Cam Ranh, suốt 3 ngày đêm ròng rã mới đến nơi… May thay, sau gần 2 năm điều trị, bệnh tình vợ ông đã thuyên giảm. Ba mẹ vợ động viên ông trở lại với biển và giúp vốn đóng một chiếc ghe công suất khoảng 12 CV. “Sức khỏe vợ con ngày càng tốt hơn, lại có ghe mới, được trở về với biển, tôi mừng không tả hết”- ông tâm sự.
Nào, ta cùng kéo mẻ lưới đầy!
Làm giàu từ biển
Như cá gặp nước, ông cùng với chiếc ghe nhỏ thường xuyên bám biển. Cần cù chịu khó, lại được biển thương, thường xuyên ban “lộc”, kinh tế gia đình ông ngày càng được cải thiện. Năm 1979, ông bán ghe cũ và vay thêm tiền đóng chiếc thuyền 30 CV, làm nghề lưới rút gần bờ. Làm ăn ngày càng khấm khá hơn, ông nghĩ phải sắm ghe lớn, tăng năng lực đánh bắt. “Vậy là tôi dốc túi và vay ngân hàng 40 triệu đồng đóng mới một chiếc tàu cá công suất 90 CV, trang bị 2 hầm đá, có thể bám biển dài ngày hơn. Tôi mở rộng ngư trường đánh bắt ra các vùng biển Đại Lãnh, Cam Ranh (Khánh Hòa) và một số tỉnh phía Nam, phía Bắc”- Nói đến chuyện đánh bắt ở ngư trường xa, giọng ông hào hứng hẳn lên.
Càng ra khơi xa, ông Ái càng đánh bắt được nhiều cá, kinh tế gia đình ngày càng khá lên. Năm 1995, ông quyết định bán bớt chiếc ghe 30 CV, cộng với số tiền tích góp được mua thêm chiếc tàu 190 CV. Có tàu lớn, ông cùng với các con bám biển ở khu vực Trường Sa. Bình quân cứ 3 ngày, 2 chiếc tàu của ông đánh được 7-8 tấn cá/tàu, rồi quay vào bờ bán sản phẩm. Công việc làm ăn xuôi chèo mát mái, chỉ 1 năm, ông đã trả xong vốn vay và mua thêm 2 chiếc tàu lớn hơn, mỗi tàu công suất 370 CV, bám biển dài ngày hơn. Khu vực Đá Lát, Đá Tây, Nhà giàn… vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa là địa chỉ quen thuộc của 7 cha con ông cùng với hơn 50 thuyền viên.
“Cá nhiều, thu nhập khá nên các thuyền viên trên tàu làm hăng lắm, có khi quên cả ăn uống. Tàu đầy cá là cập bờ, ở nhà vợ và con dâu bán sản phẩm, còn chúng tôi sắm tổn xong là ra khơi ngay, cứ thế nhiều tháng ròng trên biển, tiền thu về không ít. Rồi tôi lại tiếp tục bán tàu cũ, đóng tàu mới với công suất lớn hơn để bám biển và khai thác hiệu quả hơn”. Hiện gia đình ông Ái sở hữu 4 chiếc tàu cá lớn trị giá hàng chục tỉ đồng, trong đó tàu BĐ 94439 TS công suất 900 CV là một trong những tàu cá lớn nhất khu vực miền Trung; tiếp đến là tàu BĐ 94529 TS công suất 800 CV và hai tàu cá nữa, biển hiệu BĐ 94032 TS và BĐ 94033 TS, mỗi tàu 450 CV. Các tàu cá của ông Ái đều được trang bị hiện đại, năng lực đánh bắt lớn. Bình quân mỗi tháng, các con của ông cùng 75 thuyền viên ra khơi 3 chuyến, mỗi tàu đánh bắt được khoảng từ 30-50 tấn cá các loại. Từ năm 2011 đến nay, bình quân “tập đoàn” tàu cá của gia đình ông lãi ròng trên 10 tỉ đồng/năm; các thuyền viên thu nhập từ 180-200 triệu đồng/người/năm.
Ông Ái thường xuyên liên lạc với các con đang đánh bắt ở khơi xa thông qua hệ thống máy móc hiện đại được lắp đặt ở nhà.
Đoàn kết giữ biển
Với hơn 40 năm “cưỡi sóng” biển khơi, ông Nguyễn Văn Ái hiểu rất rõ những rủi ro và hiểm nguy trên biển, nên ông rất xem trọng việc trang bị thiết bị hiện đại cho tàu, chủ động né tránh thời tiết bất lợi và luôn phát huy tinh thần đoàn kết giữa các thuyền viên. “Trên tàu của tôi luôn có hàng chữ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” để nhắc nhở các thuyền viên luôn ghi nhớ và thực hiện nghiêm quy định: người này phải trông coi, bảo vệ người khác bất kỳ thời điểm nào, kể cả đi vệ sinh; không được nhậu nhẹt trên biển; sống phải chân tình, lớn nói nhỏ nghe, không được gây bất kỳ một xích mích nào dù là nhỏ nhất. Để thuyền viên gắn bó bền lâu, trước hết mình phải xem họ như con cháu ruột thịt trong nhà. Trong quá trình làm việc, phải vì cái chung, cái lớn hơn, ai chưa biết thì mình bày vẽ, ai thiếu thốn hoặc gặp sự cố cần giúp đỡ thì mình sẵn sàng giúp đỡ. Từ trước đến giờ, lực lượng thuyền viên trên 4 chiếc tàu của gia đình tôi rất ít khi thay đổi”.
Đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo, ông hồ hởi: “Biển Đông là nhà, biển đã cho mình nhiều thứ, mình phải có trách nhiệm giữ gìn lãnh hải quốc gia như giữ ngôi nhà của mình. Chú không biết đấy thôi, ở trên bờ đoàn kết một thì ngoài biển đoàn kết 10. Nhiều ngư dân đã thành lập nhóm, hoặc tổ đội đoàn kết khai thác hải sản. Riêng tổ đội của tôi có 12 tàu cá công suất lớn của 9 hộ gia đình. Đặc biệt, từ khi thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 48 của Chính phủ, ai cũng phấn khởi, bám biển nhiều hơn, vừa đánh bắt, vừa bảo vệ biển đảo quê hương. Rất nhiều lần, tàu nước ngoài thấy tàu cá mình nhiều, mình đoàn kết, họ không dám xâm phạm lãnh hải. Có thời điểm chúng tôi phát hiện một tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa, tôi nhổ neo tàu 900 CV và huy động thêm một số tàu cá khác rượt đuổi. Thấy tàu cá mình lớn, khí thế ào ào, họ tháo chạy. Nói như vậy để biết ngư dân mình rất đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao đối với việc bảo vệ, giữ gìn biển đảo quê hương”.
Ở tuổi 64, sức khỏe giảm sút, ông Ái đã bàn giao các tàu cá cho 6 người con trai, nhưng ông luôn là một “tổng chỉ huy” đội tàu gia đình. Ông luôn theo dõi và hướng dẫn các con trên mỗi chuyến hải trình thông qua hệ thống liên lạc đã được cài đặt sẵn ở nhà. Ngoài ra, vợ chồng ông cùng các con dâu còn phụ trách “hậu cần nghề cá” trên bờ như: thu chi, liên hệ với các mối lái, bán sản phẩm.
Ông Ái thường xuyên nhắc nhở các con phải giữ bản lĩnh ngư dân Việt Nam, công dân Việt Nam mỗi khi ra khơi, sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. Ông cũng luôn dặn dò con cái phải có tinh thần chia sẻ, giúp đỡ những đồng nghiệp không may gặp hoạn nạn. Và nhiều ngư dân các tàu cá khác cũng cảm thấy bình an khi có đội tàu lớn của ông hiện diện ở khơi xa. Nhiều lần, đội tàu của ông đã cứu hộ nhiều tàu gặp nạn, trong đó có trường hợp cứu được 28 thuyền viên của một tàu câu mực ở tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công làm tàu này vỡ đôi. Ông mua quần áo, cấp tiền cho các thuyền viên này về quê. Ông bảo: “Đó là cái đạo của nghề đi biển”. Còn ở Mỹ An, ngoài việc đóng góp xây dựng đường giao thông, quỹ vì người nghèo, mỗi năm ông còn mua 2,5 tấn gạo cấp phát cho những người già neo đơn, trẻ em mồ côi. Với ông, đó là tình làng nghĩa xóm, là việc nên làm.
PHẠM TIẾN SỸ
Nội dung : Tôi là người con Bình Định đang ở phương xa (TP.HCM), đang làm việc trong ngành xây dựng. Thật cảm động khi đọc bài báo về chú Nguyễn Văn Ái !!! Một người con Bình Định : chịu thương chịu khó, giàu lòng nhân ái, dám nghĩ dám làm. Thật cảm phục và là một tấm gương để mọi người noi theo, rất đời thường !!!