Án chậm, quá hạn luật định:
Từ những kẽ hở của quy định
Theo nhận định chung, đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp này tương đối phức tạp, nhất là các khiếu nại về việc chậm giải quyết các vụ án dân sự, thi hành án dân sự chậm, chậm khởi tố vụ án hình sự …
Theo báo cáo tổng hợp của Viện KSND tỉnh, thời gian qua (mốc số liệu tính từ đầu năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2014) ngành nhận tổng cộng 1.653 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan chủ yếu trong lĩnh vực tư pháp.
Án dân sự bị “ngâm”
Theo nhận xét của ông Phạm Thanh Tùng, Viện trưởng Viện KSND TP Quy Nhơn, đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp hiện không giảm mà có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là đơn khiếu nại về việc chậm giải quyết các vụ án dân sự, khiếu nại về thi hành án dân sự… Nguyên nhân là trong lĩnh vực dân sự còn nhiều vụ án để kéo dài quá thời hạn xét xử; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án chưa được giải quyết triệt để. Trong một năm rưỡi qua, Viện KSND TP Quy Nhơn đã tiếp nhận tổng cộng 306 đơn thư các loại. Tại Hoài Nhơn, số lượng đơn thư tố cáo, khiếu nại mà Viện KSND huyện này tiếp nhận cũng xấp xỉ một nửa so với TP Quy Nhơn.
Theo quy định, trong thời hạn 5 ngày kể từ lúc nhận đơn, thẩm phán tòa án phải thụ lý vụ việc. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng để 2-3 tháng sau mới thụ lý. Có nhiều nguyên nhân lý giải việc án bị “ngâm” nhưng nói như một lãnh đạo ngành tòa án thì: “Với người dân, họ thấy đơn của họ chậm được thụ lý thì không khỏi có suy nghĩ liệu có tiêu cực gì đây, hay là phải “chờ đến nhà” rồi mới được giải quyết”. Chính ông cũng thừa nhận một thực tế, nếu có người quen biết được hoặc “gửi gắm” thì sẽ được “ưu tiên” hơn.
Từng có thời gian công tác trong ngành tòa án, rồi chuyển sang lĩnh vực kiểm sát, ông Văn Thanh Gia, Viện trưởng Viện KSND huyện Hoài Nhơn, cho rằng chính quy định chỉ yêu cầu kiểm sát việc xét xử kể từ thời gian thẩm phán thụ lý đơn, còn giai đoạn nhận đơn trước đó thì không kiểm sát, đã tạo một “khoảng trống” khiến cho nhiều vụ, việc bị ngâm. Ông nêu ý kiến: Để hạn chế tình trạng này, cần có quy định kiểm sát luôn thời hạn thụ lý đơn của cán bộ tòa án. Căn cứ vào thời gian nhận đơn, kiểm sát viên có thể nhắc nhở, đôn đốc thẩm phán thụ lý đúng thời hạn.
Và quá hạn luật định
Theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn xử lý tin báo tội phạm hiện nay là 2 tháng. Nhưng theo phản ánh chung của các cơ quan tố tụng, thời hạn này quá ngắn với các vụ án có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhất là án sở hữu, kinh tế, chức vụ vốn phức tạp, thủ đoạn tinh vi, liên quan đến việc định giá tài sản. Nếu không giải quyết kịp, phải gia hạn thêm, thêm nữa… thành ra án quá hạn luật định.
Có thể thấy rõ điều này qua việc giải quyết vụ án tràn dầu, gây thiệt hại tài sản cho các hộ dân nuôi cá lồng tại KV9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, xảy ra năm 2013. Đến nay, vụ án này chưa được giải quyết dứt điểm, các hộ dân bị thiệt hại chưa được đền bù. Theo báo cáo của Viện KSND TP Quy Nhơn, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là do cơ quan chức năng của tỉnh và TP Quy Nhơn đã từ chối định giá giá trị thiệt hại. Vụ việc này đã không bị xử lý về mặt hình sự mà hiện cũng đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính. Viện KSND huyện Hoài Nhơn cũng phản ánh một vụ án hành chính vướng mắc do tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện việc cho ghi nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Chính từ những vướng mắc trên mà tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh về kiểm sát chấp hành pháp luật của ngành kiểm sát mới đây, Viện KSND huyện Vân Canh, Viện KSND huyện Hoài Nhơn kiến nghị HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp trên nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng nâng thời hạn xử lý tin báo tội phạm lên 4 tháng thay vì 2 tháng như hiện nay; tỉnh có văn bản hướng dẫn việc cho ghi nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn để các cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở xử lý các vụ việc liên quan đến các vấn đề nói trên.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đã nêu, còn có nguyên nhân chủ quan từ những người thực thi nhiệm vụ trong các cơ quan tố tụng. Đó là mối quan hệ phối hợp giữa kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán chưa thực sự nhịp nhàng. Theo báo cáo của Viện KSND huyện Hoài Nhơn, vẫn còn tình trạng một số kiểm sát viên thiếu sâu sát, nhắc nhở điều tra viên dẫn đến tiến độ điều tra vụ án còn trễ dù vụ án không quá phức tạp, hoặc để án trả điều tra bổ sung.
NGUYỄN SƠN