Vĩnh Thạnh nỗ lực khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến đường ven Hồ Định Bình
Cơn lũ lịch sử xảy ra vào tháng 11.2013 đã trôi qua một năm song đến nay, nhiều điểm sạt lở trên tuyến đường ven Hồ Định Bình đi về hai xã vùng cao Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) vẫn chưa khắc phục xong, ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Một điểm sạt lở trên tuyến đường ven Hồ Định Bình dẫn về xã Vĩnh Kim đang được đơn vị thi công nỗ lực khắc phục.
Theo báo cáo UBND huyện Vĩnh Thạnh, đợt mưa lũ từ ngày 15 - 17.11.2013, trên tuyến đường ven Hồ Định Bình có 27 điểm sạt lở, gãy đứt, với nhiều cầu, cống bị sập, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại người dân. Để khắc phục thiệt hại do mưa lũ, huyện đã điều động hàng chục xe cơ giới thuộc các doanh nghiệp xây dựng đóng trên địa bàn, khẩn trương đào đất đá, san ủi, khai thông tuyến đường. Đồng thời, huyện đề nghị sự hỗ trợ từ Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh điều động phương tiện cơ giới để khai thông tuyến đường, nhằm đảm bảo việc đi lại, vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bà con nhân dân.
Nhờ đó, các chuyến hàng hỗ trợ cho người dân các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn đã được tập kết đến nơi, cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân đang bị cô lập vì lũ. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên công tác khắc phục hậu quả sạt lở chỉ mang tính tạm thời. Vì vậy, một số điểm sạt lở lớn, với khối lượng đất, đá lên tới cả ngàn mét khối vẫn chưa được thực hiện.
Qua chuyến công tác về hai xã vùng cao Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn vào những ngày đầu tháng 11.2014, chúng tôi nhận thấy, hiện còn gần 10 điểm sạt lở lớn. Trong đó, có những điểm thuộc Km 42 - Km 48, khối lượng đất, đá bị đổ ụp xuống khu vực chân núi khá lớn, bình quân từ 300 - 500m3 tạo nên những hố sâu hoắm, lòng chảo có bán kính rộng 3-5m rình rập người đi đường, nhất là vào đêm tối. Quan ngại hơn, đoạn Km 48 - Km 50 (thuộc đèo Vĩnh Sơn) - khu vực giáp ranh hai xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn, hiện tồn tại hai điểm sạt lở rất lớn, âm sâu vào lòng đường. Vào những ngày có mưa, đường trở nên trơn trượt, gồ ghề, người điều khiển phương tiện nếu thiếu quan sát rất dễ bị rơi tọt xuống chân đèo.
Anh Đinh Chuynh, một hộ dân ở làng O3, xã Vĩnh Kim, lo ngại: “Bình thường, đi xe máy từ trung tâm huyện về trung tâm xã chỉ mất chừng nửa tiếng, với đoạn đường dài gần 45 km. Nhưng với việc tuyến đường bị xuống cấp, chi chít ổ gà, ổ voi và đất đá lởm chởm, việc đi lại thêm khó khăn, mất cả tiếng đồng hồ”.
Trao đổi với PV Báo Bình Định về công tác khắc phục tuyến đường này, ông Lê Văn Đẩu - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: Do khó khăn về kinh phí nên việc khắc phục tuyến đường vẫn còn chậm, chưa dứt điểm. Sau khi UBND tỉnh hỗ trợ 1 tỉ đồng và 1,5 tỉ đồng từ vốn duy tu, bảo dưỡng tuyến đường theo Chương trình 30a Chính phủ hỗ trợ, huyện đã hợp đồng với Công ty TNHH Thanh Tuấn khẩn trương tiến hành lắp ống cống, đắp cấp phối, kè rọ thép, đổ bê tông, gia cố hệ thống ta luy mái theo hướng kiên cố hóa tại những điểm sạt lở còn lại. Đồng thời, duy tu, bảo dưỡng lại toàn bộ tuyến đường; trong đó, tập trung gia cố, sửa chữa ở các điểm có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa, nhất tại các khu vực đèo dốc. Hiện huyện đã yêu cầu đơn vị thi công phải tập trung nhân lực và máy móc để sớm hoàn thành khắc phục các điểm sụt, sạt; đến cuối tháng 11.2014 phải hoàn thành dứt điểm.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI