Nghĩa trang của người tâm thần
Xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn) có một khu nghĩa trang đặc biệt dành riêng cho những người bệnh tâm thần khi nhắm mắt, lìa đời. Không xênh xang như khu nghĩa trang nhân dân bên cạnh, nơi này là những dãy mộ thẳng tắp và đơn sơ nhưng nồng ấm tình người.
Chốn an nghỉ
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn thành lập năm 1979. Từ thời điểm ấy, đội ngũ lãnh đạo Trung tâm đã nghĩ đến chuyện xin riêng một nơi an nghỉ cho những người tâm thần không có gia đình hoặc không được gia đình đón về. Bởi, nghĩa tử là nghĩa tận. Lúc sống đã tận mắt chứng kiến họ chống chọi với bệnh tật, ai cũng mong lúc “nằm xuống”, người tâm thần không có gia đình cũng được chăm lo hậu sự như bao người bình thường khác. Vậy là nghĩa trang riêng cho người tâm thần ra đời dưới sự chấp thuận của UBND xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn).
Nhà tang lễ được sửa chữa vào năm 2009 nhờ sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm.
Nghĩa trang đầu tiên ấy nằm trên một khu đất cát, cách Trung tâm vài cây số về hướng Tây. “Thời đó, mức hỗ trợ mai táng phí chỉ được 2 triệu đồng/đối tượng. Vậy nên, để tiết kiệm chi phí, anh em Trung tâm chia nhau đảm nhiệm các phần việc liên quan đến hậu sự. Trên nền đất cát, huyệt mộ cho người mất rất dễ sạt lở. Có 20 mộ chôn tại đây là đúng 20 lần huyệt mộ bị sạt lúc đưa quan tài xuống, anh em trong đơn vị phải đào đến lần hai, lần ba mới hoàn tất việc chôn cất”, ông Võ Khắc Trực, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, nhớ lại.
Hơn 5 năm nay, do nghĩa trang nằm ở khu vực quy hoạch của địa phương nên Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn được cấp mảnh đất mới với diện tích hơn 670 m2. Nghĩa trang mới nằm ngay bên cạnh nghĩa trang nhân dân của hai thôn Phụng Du 1 và 2. Trên nghĩa trang mới, đã có 13 ngôi mộ được chia làm hai dãy song song nhau. Thời gian tới, số mộ tại nghĩa trang cũ sẽ được di dời về đây. Nhỏ bé, khiêm nhường so với những dãy mộ to cao, khang trang của người dân địa phương, song đây là cái kết có hậu cho những cuộc đời không gia đình.
Đi một vòng thắp nén hương cho những người đã khuất, ông Trực khẽ nhắc về hoàn cảnh ẩn chứa đằng sau mỗi cái tên trên bia mộ. Có người vốn là người tâm thần lang thang được tập trung về đây mà Trung tâm không thể khai thác được thông tin gia đình để có thể báo tin khi họ bước qua bên kia thế giới. Có người, Trung tâm biết thông tin về gia đình nhưng khi tìm về báo thì người nhà không còn ai. Có người, gia đình còn đầy đủ nhưng quá nghèo hoặc cha mẹ đã già yếu nên nhờ Trung tâm lo hậu sự. Đứng lâu hơn trước nấm mộ còn tươi màu sơn, ông Trực tỉ tê: “Đây là mộ của anh Nguyễn Thái Minh, quê gốc ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước. Ngày anh mất, gia đình có cử người lên. Họ kể chuyện gia đình có 7 thành viên thì đã 6 người mắc bệnh tâm thần. Vì hoàn cảnh ngặt nghèo nên họ nhờ Trung tâm lo hậu sự cho người thân”.
Ấm nồng nén tâm hương
“Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 502 người tâm thần; trong đó có 144 đối tượng lang thang không có gia đình. Trong khả năng của mình, cán bộ Trung tâm chung tay lo chuyện hậu sự; đồng thời lưu lại hình ảnh và thông tin liên quan để hỗ trợ các gia đình đi tìm người thân, có nguyện vọng dời mộ về quê hương. Chế độ mai táng phí là 3 triệu đồng/đối tượng nên chi phí lo hậu sự cho người đã khuất thường phải trích từ nguồn từ thiện để đảm bảo”.
Ông ĐOÀN THẾ TUẤN, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn
Ngoài khu nghĩa trang, những người tâm thần tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn còn được thờ cúng tại Nhà tang lễ nằm trong khuôn viên Trung tâm. Nơi đây in dấu những tấm lòng nhân hậu với người bệnh tâm thần. Năm 2009, Nhà tang lễ được nâng cấp khang trang hơn so với trước. Nhờ vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, bộ bàn cúng, tủ thờ, khung đặt di ảnh người mất... được sắm sửa đầy đủ. “Đoàn từ thiện nào khi ghé Trung tâm cũng đều đặt chân đến nhà tang lễ thắp nén tâm nhang, góp tiền lo nhang khói cho người đã mất. Đặc biệt, không ít đoàn chuẩn bị cả xôi, chè, bánh kẹo, hoa quả... để cúng người tâm thần đã khuất. Chuyện nhang khói mỗi ngày, mỗi dịp rằm, lễ đều được đảm bảo là nhờ một phần từ những nguồn đóng góp này”, ông Đoàn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
Đặc biệt, Nhà tang lễ còn là nơi lưu lại hình ảnh và thông tin của những người tâm thần lang thang đã mất, giúp người nhà tìm lại thân nhân. Cho đến nay đã có 5 trong 33 người tâm thần đã mất được người thân tìm lại và nhận về. Với những người làm việc tại Trung tâm, mỗi khi có gia đình tìm đến và xin đối chiếu thông tin để di dời mộ người thân về quê hương, cảm giác luôn thật đặc biệt. Lúc đã về với đất, những người tưởng chừng đã mất tình thân gia đình vẫn được tìm về, được đón nhận trở lại. Ắt hẳn, đó là niềm vui không kể xiết với những người luôn cố giữ gìn những thông tin của người đã khuất.
NGUYỄN MUỘI