Dạy võ cổ truyền tại các trường học:
Sự “kết nối” còn mờ nhạt
Đưa võ cổ truyền vào dạy ở các trường học trên địa bàn tỉnh là cách thức hiệu quả góp phần bảo tồn và phát huy di sản. Điều này đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp triển khai thực hiện của Sở VH-TT& DL và Sở GD & ĐT. Tuy nhiên, đến nay sự “kết nối” này vẫn còn mờ nhạt, chưa có nỗ lực từ các bên.
Những nỗ lực bước đầu
Trong những năm gần đây, tại một số trường học trên địa bàn TP Quy Nhơn, đã dạy võ cổ truyền cho học sinh. Bài bản nhất là các lớp võ do Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định (thuộc Sở VH-TT &DL) tổ chức từ năm 2013 đến nay tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, Trường THPT Trần Cao Vân. Mới đây, CLB võ thuật cổ truyền phát triển tài năng trẻ (thuộc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định) cũng đã chiêu sinh tại Trường THCS Ngô Văn Sở. HLV Phạm Đình Khiêm, CLB võ thuật cổ truyền phát triển tài năng trẻ, cho biết: “Sau hơn 1 tháng hoạt động, điểm dạy võ tại Trường THCS Ngô Văn Sở đã có 32 học sinh, sinh viên các trường theo học 6 buổi chiều tối mỗi tuần. Trong 3 tháng đầu, các em được dạy những bài căn bản, sau đó mới luyện tập những bài đặc trưng võ cổ truyền Bình Định”.
Cùng hoạt động hiệu quả là các lớp võ cổ truyền Tây Sơn do HLV Nguyễn Văn Khương (30 tuổi) truyền dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ và Trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt. Nguyễn Văn Khương đã theo học tại võ đường võ sư Phan Thọ (võ sư đã mất vào tháng 4.2014) trong gần 10 năm. Năm 2012, anh xin phép thầy được mở lớp ở TP Quy Nhơn truyền dạy các bài võ đặc trưng của môn phái. Nguyễn Minh Trí, học sinh lớp 3B Trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt, tâm sự: “Em đã tập võ ở trường được hơn 1 năm, rất thích những bài quyền và roi mà thầy Khương chỉ dạy. Thầy còn dành thời gian giảng giải về ý nghĩa võ đạo, kể những chuyện hấp dẫn về sư tổ Phan Thọ để làm tấm gương cho chúng em rèn luyện noi theo”. Cách đây không lâu, lần đầu tiên HLV Nguyễn Văn Khương dẫn 3 học trò ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ tham gia Giải võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh năm 2014, kết quả, học trò Ngô Anh Thư đoạt HCB (lứa tuổi từ 7-10) nội dung hội thi nhờ biểu diễn tốt các bài Hùng kê quyền, Song bút.
Ngoài ra, trên địa bàn TP Quy Nhơn còn có các lớp dạy võ cổ truyền cho sinh viên các trường Đại học Quy Nhơn, Cao đẳng Bình Định. Tại các huyện, thị xã trong tỉnh, theo tìm hiểu sơ bộ từ các võ sư, huấn luyện viên thì việc truyền dạy võ cổ truyền ở các trường học chưa nhiều. Một số võ sư như Phi Long Vinh, Kim Huệ mở lớp dạy võ tại các trường học ở các xã Phước Nghĩa, Phước Lộc, Phước Hưng, Phước Thuận ở huyện Tuy Phước; võ sư Hồ Bé, Hồ Sỹ mở lớp dạy võ tại các trường học ở thị trấn Phú Phong và các xã Bình Thuận, Bình Tân…
Cần sự “kết nối” chặt chẽ giữa 2 ngành
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngày 7.10.2013, Sở GD&ĐT có công văn số 1387 đề nghị Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; hiệu trưởng các trường phổ thông và trực thuộc nếu có nhu cầu, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức triển khai, tạo điều kiện để các võ sư, HLV vào giảng dạy võ thuật trong chương trình ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
Ngày 28.10.2013, Sở VH-TT&DL cũng ban hành văn bản số 1983, đề nghị Phòng VH-TT các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện một số nội dung: phối hợp với Hội Võ thuật, Chi hội Võ thuật cổ truyền lập kế hoạch và tổ chức hướng dẫn các võ sư, HLV võ cổ truyền (từ cấp 15 trở lên) triển khai công tác giảng dạy võ thuật trong chương trình ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn.
Võ sư Lê Xuân Cảnh (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) cho biết: “Nhiều năm qua, tình hình chung của các võ đường trong tỉnh chỉ có đông học sinh đến luyện tập trong dịp hè, còn vào năm học thì số lượng giảm rất nhiều do lịch học của các em ngày càng dày. Nếu đưa được võ cổ truyền vào giảng dạy ngoại khóa tại các trường học, thì sẽ góp phần hiệu quả giải quyết khó khăn này. Tuy nhiên, cần có sự gắn kết, phối hợp giữa sự chỉ đạo của các ngành cấp trên với lực lượng truyền dạy cơ sở, cùng sự ủng hộ của các trường thì mới thực hiện hiệu quả được”.
Trong thực tế, đã có những trường hợp vì lý do khách quan lẫn chủ quan, lãnh đạo nhiều trường học đã “không có nhu cầu” dạy võ cổ truyền. Võ sư Lâm Ngọc Ánh (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) tâm sự: “Làng võ An Thái vang bóng một thời giờ không còn mấy ai dạy võ, người học võ cũng rất ít. Ngành VHTT thị xã An Nhơn trước đây đã vài lần có giấy giới thiệu, đề nghị Trường THCS Nhơn Phúc tạo điều kiện cho tôi vào dạy võ cho học sinh trong trường nhưng đều không được”.
Để giải quyết những ách tắc trên, thời gian tới, Sở VH-TT&DL và Sở GD & ĐT cần có sự phối hợp để khảo sát, đánh giá chung về kết quả đưa võ cổ truyền vào trường học trong thời gian qua. Từ đó, tiếp tục có những chỉ đạo “sâu sát” để kịp thời khắc phục những hạn chế, điều chỉnh chương trình dạy, lực lượng dạy, điểm dạy… phù hợp, để triển khai hiệu quả hơn.
HOÀI THU