Chuyện phía sau một băng trộm tuổi thiếu niên
Những đứa trẻ tuổi thiếu niên là thủ phạm những vụ trộm xe máy mà CA TP Quy Nhơn vừa điều tra làm rõ vào ngày 5.11 (Báo Bình Định đã thông tin) khiến những ai tiếp xúc đều phải suy ngẫm. Thường, những đứa trẻ khác khi ở vào hoàn cảnh này sẽ khóc lóc van xin, nhờ gọi điện cho cha mẹ, còn những thiếu niên này thì không.
Trong số 9 đối tượng của nhóm trộm cắp hơn chục xe máy ở TP Quy Nhơn, có đến 5 đối tượng có cha, mẹ ly hôn từ khi các em còn nhỏ, số còn lại cũng sớm hư hỏng vì cha mẹ mải quay cuồng trong cuộc mưu sinh mà quên mất mình còn có trách nhiệm và nghĩa vụ dạy dỗ con cái. Vậy nên, nhiều em nói rằng mình không hề biết mặt cha, có em nói “ổng chết rồi” mặc dù cha mình đang còn sống. Các em lớn lên như cỏ cây tự nhiên, không được ai uốn nắn, giáo dục. Việc các em trở thành thủ phạm các vụ trộm cắp xe máy này là kết cục tất yếu của một thời gian dài chuyên trộm cắp vặt.
Dù hoàn cảnh mỗi em không giống nhau nhưng quá trình lớn lên rồi dẫn đến hoàn cảnh như ngày hôm nay lại không khác nhau mấy. Đầu tiên là hầu hết đều bỏ học khi chưa qua cấp I, sau đó bỏ nhà đi bụi, trộm cắp vặt, sống lang thang, bị đưa đi trường giáo dưỡng. Ra khỏi trường giáo dưỡng về nhà vài hôm, chúng tiếp tục lang thang, không dừng lại ở việc trộm cắp vặt mà lập thành băng nhóm, bàn bạc, chuẩn bị dụng cụ, lên kế hoạch để thực hiện hơn chục vụ trộm cắp xe máy. Nghĩa địa là nơi chúng chọn làm địa điểm tụ tập, tìm cái ăn (là những vật phẩm cúng mộ), cũng là nơi bàn bạc việc đi trộm cắp, cất giấu tài sản trộm cắp và chia nhau “chiến lợi phẩm”.
“Thời gian gần đây, CA TP Quy Nhơn đã điều tra, làm rõ nhiều vụ trộm cắp tài sản và cướp giật tài sản mà đối tượng tham gia còn nhỏ tuổi nhưng đã có tiền sự, tiền án. Các đối tượng này đều sống lang thang, không được sự giáo dục của gia đình, khiến công tác phòng ngừa tội phạm ở lứa tuổi này gặp không ít khó khăn”.
Trung tá Nguyễn Ngọc Lâm, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, CA TP Quy Nhơn
Mặc dù đang ở cơ quan CA nhưng Nguyễn Quốc Toàn (17 tuổi, ở phường Nhơn Phú, đi trường giáo dưỡng từ năm 14 tuổi) luôn miệng cười đùa. Thậm chí Toàn còn nói: “Mấy chú cho tụi cháu ở đây muỗi khỏi cắn mà còn có cơm ăn”. Toàn cho biết ba mẹ ly dị khi em còn nhỏ, giờ không còn nhớ mặt cha, mẹ thì bán vé số, nhà rất nghèo. “Trước khi cháu đi giáo dưỡng đã ít gặp mẹ, mẹ bán vé số tối mịt mới về, khi mẹ về, cháu đã ngủ rồi”, Toàn nói.
Còn Võ Hồng Thái (16 tuổi, ở phường Thị Nại) kể lại tuổi thơ của mình đầy nước mắt: “Ba mẹ ly dị, ban đầu ba nuôi em, rồi sau đó mẹ dắt về. Giành qua giành lại, cuối cùng ba lấy vợ, mẹ lấy chồng, em ở với bà. Bà già lắm và cũng nghèo lắm”.
Đặng Thế Vinh (18 tuổi, ở phường Bùi Thị Xuân) ban đầu trả lời điều tra viên là không có cha, không biết mặt cha. Lát sau Vinh mới nói: “Ba bỏ mấy mẹ con từ nhỏ nên nhắc tới làm gì. Nói không có ba phải hơn không…”.
Từ những hoàn cảnh như thế, những đối tượng trên đã tìm đến nhau. Điều tốt thì khó học hơn điều xấu, trong khi cuộc đời của những đứa trẻ này đã bất hạnh từ nhỏ nên làm sao tránh khỏi những suy nghĩ và hành động tiêu cực, nhiều là đằng khác. Vậy nên...
Việc các đối tượng trên kết băng nhóm trộm cắp tài sản sẽ bị pháp luật xử lý theo quy định, nhưng để dẫn đến hậu quả như trên, gia đình các em có một phần trách nhiệm rất lớn, trách nhiệm của những đấng sinh thành có công sinh mà thiếu công dưỡng dục.
THÀNH LONG