Hiệu quả từ kinh tế trang trại ở Tây Sơn
Huyện Tây Sơn có quỹ đất vườn, đất đồi rừng khá dồi dào, thích hợp để phát triển kinh tế trang trại. Nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng sẵn có, những năm qua, huyện Tây Sơn đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế; thiết kế xây dựng trang trại, gia trại trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi... đem lại hiệu quả thiết thực.
Ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Tây Sơn, cho biết: “Kinh tế trang trại, gia trại ở Tây Sơn phát triển rất sớm và đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu. Toàn huyện hiện có khoảng 77 trang trại và hàng trăm gia trại. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Thông tư 27 của Bộ NN-PTNT, hầu hết các trang trại ở Tây Sơn chưa đạt chuẩn, chỉ tạm gọi là trang trại nhỏ. Một số xã có nhiều trang trại, gia trại phát triển mạnh như: Tây Thuận, Bình Tường, Tây Giang, Bình Tân, Tây Xuân, Bình Nghi…; các chủ trang trại, gia trại có thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm. Kinh tế trang trại góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời tái tạo vốn rừng và tạo ra môi trường sinh thái trong lành...”.
Chúng tôi ghé thăm trang trại của ông Võ Kỳ Nam ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường. Trang trại có diện tích hơn 4 ha mặt nước, chuyên nuôi các loại cá nước ngọt, với số lượng hàng chục ngàn con mỗi vụ. Những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường đang tiêu thụ mạnh các loại cá như bống tượng, thác lác Campuchia, cá lăng…, ông đã mua giống về thả nuôi, mỗi năm thu hoạch hơn 10 tấn cá thịt, thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi trên 70 triệu đồng.
Về xã Tây Phú, chúng tôi được giới thiệu đến trang trại của anh Trần Thái ở xóm Gò Giữa, thôn Phú Lâm. Là trang trại đa canh, bốn phía đều có nước tưới nên anh Thái trồng cây ăn quả, chủ lực là chanh, chuối tiêu, mít, mì, mía, tre lấy măng… Ngoài ra, anh còn trồng 45 ha rừng keo, bạch đàn, xoan ta, huỳnh đàn… và nuôi 5 con bò lai sinh sản, hàng trăm con gà thả vườn. Trang trại của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động, với mức thu nhập bình quân 150 ngàn đồng/ngày/người. Vào lúc cao điểm, công việc nhiều, anh phải thuê thêm hàng chục lao động thời vụ. Anh Thái cho biết: “Tổng thu nhập từ trang trại của gia đình khoảng 500 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng”.
Bình Nghi cũng là một địa phương có phong trào kinh tế trang trại, gia trại phát triển. Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Bình Nghi có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, vừa trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã đầu tư làm kinh tế trang trại, gia trại. Điển hình như gia trại của ông Trương Ngọc Minh ở thôn 4, Bình Nghi. Ông Minh đã tận dụng 1,2 ha đất vườn của gia đình đào ao nuôi cá, kết hợp với nuôi gà, bò, heo rừng và trồng mía… Sau khi trừ chi phí, hàng năm gia đình ông còn lãi trên 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Quang, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Sơn, chia sẻ: Lĩnh vực kinh tế trang trại, gia trại đã giúp người dân nâng cao đời sống và góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế chung của huyện. Tuy nhiên, quy mô của các trang trại ở địa phương còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Trong thời gian tới, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại nhỏ về đất đai, chuyển giao tiến bộ KHKT để họ mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả kinh tế; đồng thời vận động, hỗ trợ các gia trại nâng cấp lên thành trang trại.
Có thể nói, phát triển kinh tế trang trại, gia trại là một hướng đi đúng trong việc thực hiện chủ trương đa dạng hóa nông nghiệp ở Tây Sơn. Tuy nhiên, để lĩnh vực kinh tế này phát triển bền vững, các cấp chính quyền trên địa bàn cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người làm trang trại về đất đai, vốn, hướng dẫn quy trình thâm canh, cập nhật thông tin thị trường...
LÊ PHƯƠNG