Hoài Nhơn: Ðẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản
Nhiều năm qua, huyện Hoài Nhơn đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế thủy sản (KTTS) và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa KTTS trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Ðáng chú ý là từ năm 2011 đến nay, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được thực hiện tốt đã giúp cho ngư dân có điều kiện đóng mới, nâng công suất tàu cá, mở rộng ngư trường, bám biển dài ngày khai thác thủy sản hiệu quả hơn.
Nằm trên địa bàn thuận lợi cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến và hậu cần nghề cá, trong những năm qua, KTTS Hoài Nhơn đã thu được nhiều kết quả khả quan. Từ năm 2011 đến nay, khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn vay, nhiên liệu cho các tàu cá đánh bắt ở vùng biển xa, ngư dân Hoài Nhơn đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền, trang bị máy móc hiện đại để vươn ra khơi xa.
Kết quả khả quan
Đến nay, toàn huyện có 2.367 tàu cá, tổng công suất trên 653 ngàn CV. Đáng chú ý, bình quân mã lực trên mỗi phương tiện tăng lên đáng kể, toàn huyện có 1.706 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, chiếm 72% tổng số tàu thuyền ở địa phương. Nhờ vậy, cơ cấu nghề nghiệp đã thay đổi theo hướng tích cực với các nghề đánh bắt xa bờ, như câu cá ngừ đại dương, câu mực, lưới vây, lưới cản khơi… Ngược lại, các nghề khai thác ven bờ và vùng lộng đã giảm đáng kể, nguồn lợi thủy sản không những được bảo vệ tốt mà hiệu quả khai thác cũng được nâng lên đáng kể.
Để khắc phục khó khăn do chi phí tăng cao, đồng thời tăng hiệu quả khai thác, ngư dân Hoài Nhơn đã xây dựng các tổ đoàn kết trong khai thác xa bờ, đến nay đã có 228 tổ đoàn kết khai thác thủy sản trên biển với 912 tàu cá tham gia, mỗi tổ có từ 4-5 tàu hoạt động cùng nghề, cùng ngư trường, cùng hỗ trợ nhau trong việc dò tìm ngư trường, giúp nhau trong hoạn nạn và thay phiên vận chuyển sản phẩm vào bờ để tiêu thụ… Với cách làm này, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn trước; ngư dân cũng an tâm hơn khi phải đối mặt với những rủi ro, tai nạn trên biển. Nhờ đó, từ đầu năm 2014 đến nay, sản lượng khai thác thủy sản của huyện Hoài Nhơn ước đạt 42.400 tấn, tăng hơn 400 tấn so với kế hoạch đề ra, trong đó khai thác cá ngừ đại dương đạt 7.150 tấn.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Hoài Nhơn đã triển khai theo hướng đa dạng hóa loại hình và đối tượng nuôi, như: nuôi tôm trên cát, nuôi các loài nhuyễn thể, nuôi cá đối mục trong ao tôm suy thoái… nhằm cải tạo môi trường vừa hạn chế dịch bệnh phát sinh. Hiện nay, toàn huyện có 180 ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng, năng suất bình quân đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha, sản lượng đạt 1.632 tấn, tăng 700 tấn so với cùng kỳ. Trong đó, khu nuôi tôm thuộc Dự án Công Lương xã Hoài Mỹ với diện tích 18,9 ha đã phát huy hiệu quả, đạt năng suất bình quân từ 9 - 12 tấn/ha. Các mô hình nuôi xen cua - cá, vẹm xanh ở vùng nước lợ thành công bước đầu. Nuôi cá lóc thâm canh khoảng 2,5 ha, năng suất bình quân 160 tấn/ha/năm, sản lượng trên 420 tấn/năm.
Đầu ra thủy sản ở Hoài Nhơn cũng khá thông thoáng, nhờ Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn đảm nhận tốt trách nhiệm “bà đỡ” cho nghề cá huyện nhà. Đến nay, Công ty đã phát triển sản xuất kinh doanh với nhiều ngành nghề, từ thu mua, chế biến thủy sản, đến hoạt động đóng tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá… Địa phương đã xây dựng khu chế biến thủy sản Tam Quan Bắc với diện tích trên 5 ha, hiện có 5 doanh nghiệp và 12 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao. Hầu hết lượng thủy sản đánh bắt cập cảng Tam Quan được thu mua và chế biến tại đây và đưa đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước, với các mặt hàng như cá ngừ đại dương, cá ngừ sọc dưa, cá chuồn mẵn tẩm, tôm nguyên con, tôm lột vỏ, cá cơm khô. Ngoài ra, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, cung ứng xăng dầu, ngư lưới cụ, thu mua hải sản… cũng đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động ở các địa phương ven biển của huyện.
Đẩy mạnh phát triển KTTS
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTS ở Hoài Nhơn cũng gặp không ít trở ngại. Đáng quan tâm là nhiều năm trở lại đây, cửa biển Tam Quan thường xuyên bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu cá có công suất lớn ra vào để mua bán thủy sản, tránh trú bão an toàn. Việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào khai thác và bảo quản thủy hải sản chưa được đồng bộ nên hiệu quả không cao.
Nghề câu cá ngừ đại dương phát triển mạnh với hình thức câu tay dùng đèn cao áp đạt sản lượng khá, tuy nhiên chất lượng sản phẩm không cao, giá cá thấp, ảnh hưởng thu nhập của ngư dân. Các cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh sản phẩm thấp, việc xử lý chất thải của hoạt động chế biến chưa đúng quy định. Chưa đầu tư nhiều cho thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Ông Nguyễn Chí Công, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: Định hướng phát triển kinh tế của huyện từ nay đến năm 2020 vẫn tiếp tục khẳng định ngành KTTS là mũi nhọn của địa phương. Để đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển của ngành kinh tế chủ lực này, huyện đang mời gọi các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh; xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đồng thời, tiến hành nạo vét cửa biển Tam Quan, nạo vét cồn Rớ, nâng cấp cầu Thiện Chánh để mở rộng khu neo đậu tàu thuyền, xây dựng trạm xử lý nước thải khu chế biến thủy sản Tam Quan Bắc. Khuyến khích ngư dân đầu tư vốn nâng cao năng lực khai thác xa bờ, phát triển đa nghề; nhân rộng các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển chú trọng ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
NGUYỄN HÂN