Tuy Phước: Tuyến đê sông Cây Me tiềm ẩn nguy cơ sạt lở
Nhiều năm nay, vào mùa mưa, lũ, hàng trăm hộ gia đình sống ven tuyến đê sông Cây Me thuộc địa bàn các xã Phước Sơn, Phước Hòa, huyện Tuy Phước lại nơm nớp nỗi lo sạt lở đê, gây hiện tượng sa bồi, thủy phá, nước ngập vào vườn tược, nhà cửa.
Tuyến đê sông Cây Me tại khu vực cầu Đội Thông tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư.
- Trong ảnh: Nhà các hộ dân nằm sát mép đê nên rất nguy hiểm khi xảy ra sự cố sạt lở.
Tuyến đê sông Cây Me nằm ở vị trí giáp ranh giữa 2 xã Phước Sơn và Phước Hòa; đoạn chảy qua địa bàn xã Phước Sơn có chiều dài hơn 5 km. Hiện nay, nơi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao nằm tại khu vực cầu Đội Thông (thuộc thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn). Tại đây, người dân địa phương trồng khá nhiều tre để gia cố, bảo vệ chân đê; tuy nhiên, qua thời gian, dòng nước sông Cây Me chảy xiết, khiến chân đê bị bào mòn, khoét sâu, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Ngay cạnh đó là khu dân cư đông đúc; nếu không may xảy ra sạt lở đê, thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân sẽ rất lớn.
Khu vực Đập Cát (cũ) giáp ranh với khu Gò Chùa - một vị trí khác thuộc tuyến đê sông Cây Me cũng diễn ra hiện tượng tương tự. Vào mùa mưa, hàng trăm hộ dân ở xóm 5, thôn Xuân Phương - khu dân cư gần Đập Cát (cũ) rất lo lắng. Tại đây, do cao trình mặt đê thấp nên khi có mưa lớn, nước sông tràn qua đê, chảy trực tiếp vào khu dân cư, gây ra hiện tượng sa bồi, thủy phá, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Điển hình như trong đợt lũ năm 2013, nước từ sông Cây Me tràn qua đê, chảy vào khu dân cư, nhấn chìm nhà cửa của hơn 100 hộ gia đình tại xóm 5 trong nhiều ngày, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, khó khăn mọi bề.
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng thôn Xuân Phương, lo lắng: “Mùa mưa lũ năm 2014 sắp đến, hàng trăm hộ dân nơi đây lại ngay ngáy lo sợ tình trạng sạt lở đê. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri các cấp, chúng tôi nhiều lần kiến nghị UBND huyện Tuy Phước và ngành chức năng có biện pháp xây dựng tuyến đê kiên cố; nhưng đến nay, mong mỏi của người dân vẫn chưa thành hiện thực”.
Liên quan việc này, theo UBND huyện Tuy Phước: Việc gia cố tuyến đê sông Cây Me là cần thiết; tuy nhiên, do nguồn kinh phí ngân sách có hạn, UBND huyện phải sắp xếp thứ tự ưu tiên các đoạn đê cấp thiết, xung yếu, có nguy cơ vỡ cao để đầu tư gia cố trước. Trước mắt, huyện yêu cầu UBND xã Phước Sơn có biện pháp cảnh báo, gia cố tạm để phòng, tránh hiện tượng sạt lở tiếp diễn trước mùa mưa, lũ năm 2014 nhằm tránh thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân. Về lâu dài, huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban liên quan xem xét, đưa ra biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân sống ven đê.
Còn theo ông Nguyễn Đình Hòa - Chủ tịch UBND xã Phước Sơn: Hàng năm, địa phương đều tiến hành gia cố tuyến đê bằng cách đóng trụ, bỏ bao cát xuống để gia cố chân đê. Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp tạm thời chống xói lở khi lượng mưa và nguồn nước không lớn. Về lâu dài, UBND huyện cần đầu tư kinh phí, xây dựng tuyến đê kiên cố, nâng cao trình mặt đê, đổ mái bê tông, lát ta-luy chân đê…; có như vậy mới giải quyết được nguy cơ sạt lở, cũng như hiện tượng nước tràn qua đê, chảy vào khu dân cư. “Cái khó nhất hiện nay là vấn đề kinh phí. Tuy nhiên, an toàn cho cuộc sống của hàng trăm hộ dân là trên hết, chúng tôi mong UBND huyện Tuy Phước và các ngành chức năng của tỉnh quan tâm, xem xét đầu tư kinh phí, huy động sức dân … để xây dựng kiên cố tuyến đê sông Cây Me”, ông Hòa đề xuất thêm.
VĂN LỰC