Sức ép từ bảng xếp hạng của WB
Thứ hạng thấp không thay đổi của Việt Nam trong các báo cáo mới công bố Doing Business 2015 của Ngân hàng Thế giới (WB), và Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới đang tạo ra sức ép không nhỏ đối với các nhà quản lý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam vẫn cảm thấy vui khi nhớ lại một động tác của Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, trong cuộc gặp gần đây. Bà Kwakwa, với bàn tay nắm chặt và ngón cái giơ hướng lên cao, ra dấu với vẻ mặt tươi cười. Ông nói: “Bà ấy không nhận xét về tôi. Bà ấy nhận xét về ngành thuế”.
Đó là lời động viên rất lớn với ông Nam, người phụ trách của ngành đang là tâm điểm quan tâm của dư luận sau những lời ca thán của doanh nghiệp về các thủ tục phiền hà, rối rắm do ngành này gây ra.
Là một trong những người nắm giữ tay hòm chìa khóa ngân khố quốc gia, ông luôn luôn chịu sức ép phải thu đủ, thu vượt trong bối cảnh ngân sách đang ở tình trạng cực kỳ khó khăn. Mặt khác, ông lại phải đơn giản hóa các hoạt động thu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Chỉ trong vòng vài tháng sau khi có Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngành thuế đã tuyên bố cắt giảm hơn 200 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp, và khẳng định thu ngân sách nhà nước không hề bị ảnh hưởng. Nỗ lực của ngành thuế là lớn nhất trong bốn ngành là thuế, hải quan, xây dựng, đất đai được ghi nhận đến nay.
Nhưng đó mới chỉ là kết quả ban đầu, còn việc doanh nghiệp bị hành khi nộp thuế là câu chuyện dài. Cho đến trước khi ngành này công bố cắt giảm 200 giờ thủ tục như trên, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam lên tới 872 giờ/năm, theo báo cáo Doing Business 2014 của WB. Xếp hạng này được coi là ở mức “quá tệ” so với thời gian nộp thuế trung bình của các nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm, trong đó Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines là 193 giờ, Malaysia là 133 giờ, Brunei là 96 giờ, Singapore là 82 giờ. Trong Nghị quyết 19 ban hành đầu năm nay, Chính phủ yêu cầu ngành thuế cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6.
Là một người gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tỏ vẻ bất bình. Ông nói tại một diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức: “Đùng một cái, họ cắt giảm được 200 giờ nộp thuế. Họ chỉ cắt giảm khi có sức ép từ trên xuống. Đó là sự vô trách nhiệm. Cho nên tôi nói, phải cưỡng bức cải cách là thế”.
Có rất nhiều câu chuyện thực tế. Trong một cuộc gặp gần đây về chủ đề thuế do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, đại diện Câu lạc bộ Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc CIEM cho biết, trước đây ông này phải đi lại tám lần mới mua được hóa đơn đỏ để nộp thuế. “Tôi phải đi lại tám lần, mỗi lần gặp cán bộ thuế 15 phút mới mua được hóa đơn đóng thuế. Có những công việc rất đơn giản họ vẫn cố tình hành hạ người khác như vậy”, vị này nói.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, khẳng định: “Kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT) là phức tạp nhất”. Bà giải thích, hiện các doanh nghiệp phải có bảng kê khai tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp rất nhiêu khê, trong khi đó, họ vẫn phải kê khai đầu vào, đầu ra kèm theo phụ lục dài dù đã có hóa đơn.
Những trải nghiệm thực tế của doanh nhân Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Việt Á, cũng giúp bổ sung vào câu chuyện thuế, lần này với ngành hải quan. Bà Loan kể, hồi năm 2011, công ty bà nhập hai mặt hàng là cáp quang và hộp nối cáp quang đều có thuế suất 0%. Tuy nhiên, sau khi thông quan, hải quan áp thuế 3% với cáp quang, và 20% với hộp cáp quang, và đòi truy thu năm năm. Thậm chí bà Loan, lúc đó đang là đại biểu Quốc hội khóa 12, đã bị Cục Điều tra chống buôn lậu gọi lên. Bà kể lại: “Tôi phản đối, hoạt động của Việt Á quang minh sao gọi tôi lên... Đây là hoạt động sau thông quan, không phải việc của Cục Chống buôn lậu”.
Bà kể lại câu chuyện dài dòng khi đi khiếu nại: “Hải quan nói rằng thấy sai cứ đi khiếu nại, nhưng tôi khiếu nại từ năm 2013 đến nay khi gửi văn bản khiếu nại lại được hướng dẫn gửi về chỗ ra văn bản. Vậy ai xử lý?”. Rốt cuộc, trong khi đơn khiếu nại chưa giải quyết, bà đã tuân thủ nộp thuế rồi. Kể lại câu chuyện này, bà nói: “Biểu thuế như ma trận, một mặt hàng không biết áp mã thuế nào đúng, mã nào sai. Doanh nghiệp bảo mã này; hải quan muốn an toàn, thành tích nên áp mã cao”.
Thủ tục hải quan cũng là câu chuyện dài. WB tính toán thời gian thông quan trung bình của một lô hàng từ khi vào cảng đến khi thông quan là 21 ngày. Tổng cục Hải quan đang phấn đấu giảm thời gian này còn 10-11 giờ, bao gồm 2 tiếng cho thời gian kiểm tra hồ sơ, và 8-9 tiếng cho thời gian kiểm tra hàng. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tính toán, đất nước có thể tiết kiệm tới 1,6 tỉ đô la Mỹ mỗi năm nếu giảm được một ngày các thủ tục hải quan.
Trong báo cáo Doing Businness 2015 của WB công bố tuần trước, Việt Nam xếp hạng 173/189 quốc gia về tiêu chí nộp thuế. Cụ thể, số lần thanh toán thuế mỗi năm là 32, tổng thời gian phải mất cho việc này là 872 giờ/năm, và tổng mức thuế lên đến 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp (ở đây, ngoài các khoản thuế, WB còn tính cả các khoản phải nộp khác của doanh nghiệp như đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp...). Những con số này, theo WB, được ghi nhận từ tháng 6 trở về trước, điều này có nghĩa là nỗ lực của ngành thuế gần đây chưa được tính vào xếp hạng của năm nay.
Nhưng đó cũng là áp lực với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Tuy nhiên chỉ mỗi nỗ lực của ngành thuế là chưa đủ, khi mà môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn bị xếp hạng 78 trên tổng số 189 quốc gia trên toàn thế giới, theo báo cáo Doing Business 2015, tụt hạng so với vị trí 72 (theo cách tính mới) của năm 2014. Rõ ràng, khi Việt Nam mới khởi động, thì thế giới đã vượt lên phía trước quá xa.
Theo Tư Giang (TBKTSG)