Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”:
Nói chưa đi đôi với làm
Đến nay, đã qua 3 năm tỉnh ta triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, song có thể nói kết quả chưa được mấy, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mai một.
Chậm so với kế hoạch
Ngày 29.12.2011 UBND tỉnh có Quyết định số 715 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2011- 2015) và giai đoạn 2 (2016-2020) với những mục tiêu cụ thể, gắn với triển khai thực hiện 6 dự án thành phần ở các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.
Sau gần 3 năm triển khai, cơ quan chức năng và địa phương chỉ mới thực hiện phần nào nội dung Khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng các giá trị văn hóa truyền thống” (thời gian thực hiện theo kế hoạch từ năm 2011- 2012); Tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” (thời gian thực hiện từ năm 2012-2015). Điều đáng nói là ngay các phần nội dung đã thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ mới đáp ứng được một phần so với yêu cầu. Ngoài huyện An Lão thực hiện khá tốt, các địa phương còn lại vẫn còn nhiều khó khăn vì thiếu nhân lực, kinh phí, phương tiện, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện một cách đồng bộ ở cơ sở…
Theo một số ủy viên Ban Điều hành Đề án, việc triển khai thực hiện còn chậm là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là chưa có nguồn vốn đầu tư cụ thể để thực hiện các dự án thành phần có liên quan. Từ tháng 2.2012, UBND tỉnh có quyết định đầu tư 24 tỉ đồng (từ nhiều nguồn vốn) để thực hiện Đề án, riêng giai đoạn 1 đầu tư 16,3 tỉ đồng. Trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương còn ít thì việc bố trí, lồng ghép, huy động các nguồn kinh phí khác như kế hoạch đề ra (từ ngân sách của tỉnh, huyện; nguồn vốn lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; nguồn vốn huy động xã hội hóa, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn do nhân dân đóng góp) cũng gặp nhiều khó khăn.
Bám sát thực tế để triển khai
Ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng Phòng VHTT huyện An Lão, đề đạt: “Không nên kéo dài việc kiểm kê di sản văn hóa mà nhanh chóng lập kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị những di sản đã được kiểm kê. Trong các nội dung của Đề án, cần sớm triển khai Dự án Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, chúng tôi mong muốn có kinh phí để mua cồng chiêng cho các làng đồng bào dân tộc, tổ chức truyền dạy các loại di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như đánh cồng chiêng, hát Ta lêu, Ca choi… để tránh nguy cơ mất đi trong tương lai”.
Thực trạng bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phai nhạt, nhiều di sản văn hóa có nguy cơ mất đi đòi hỏi việc triển khai Đề án cần được quan tâm hơn, tránh tình trạng “nói không đi đôi với làm”. Để làm được như vậy, trước hết, các thành viên trong Ban điều hành Đề án cần đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện “nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện hằng năm, 5 năm và Kế hoạch thực hiện Đề án…” (Quyết định số 2120 ngày 21.9.2011 của UBND tỉnh). Sở VH-TT & DL được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện các dự án thành phần của Đề án, cần tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan để đánh giá những khó khăn, vướng mắc; từ đó, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện sát tình hình thực tế đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay.
Bên cạnh đẩy nhanh việc hoàn thành các nội dung Đề án đã triển khai, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để “chia nhỏ” hợp lý từng dự án thành phần còn chậm thực hiện: Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (thời gian thực hiện từ 2011-2020). Đồng thời, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số (thời gian thực hiện từ 2012 - 2020). Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số (từ 2011- 2020). Giới thiệu quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc vào trường học (từ 2012-2020). Chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc cấp huyện, tỉnh, liên tỉnh (từ 2011- 2020).
Hoài Thu