Hoạt động khai thác, chế biến đá: Cần nhiều nỗ lực để phát triển
Cùng với ngành chế biến gỗ và lâm sản, ngành khai thác - chế biến đá (KT-CBĐ) được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn của Bình Định. Thế nhưng, liên tiếp trong 2 năm 2012-2013, hoạt động KT-CBĐ của các DN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2014 đến nay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong lĩnh vực này đã khả quan hơn. Tuy nhiên...
Nỗ lực vượt khó
Với năng lực chế biến 4,5 triệu m2 đá thành phẩm/năm, song do tình hình tiêu thụ khó khăn, trong năm 2012 các DN trong tỉnh chỉ sản xuất trên 1 triệu m2 đá, lượng hàng tồn kho chiếm trên 12%; còn năm 2013 thì hàng tồn kho chiếm trên 20%...
Theo ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hiệp hội KT-CBĐ Bình Định, bên cạnh những bất ổn của nền kinh tế thế giới và trong nước, ngành KT-CBĐ cũng gặp không ít khó khăn do nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, nhất là đối với những mặt hàng cao cấp; còn thị trường bất động sản trong nước thì “đóng băng”. Trong khi đó, các DN KT-CBĐ còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc từ các văn bản pháp quy liên quan đến đất đai, môi trường, thuế…
Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite là một trong những DN KT-CBĐ trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả.
- Trong ảnh: Một phân xưởng chế biến đá granite của Công ty Hoàn Cầu. Ảnh: VĂN LƯU
Trước tình hình nói trên, Hiệp hội KT-CBĐ Bình Định đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN KT-CBĐ, trong đó có Chỉ thị số 02 của Chính phủ về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản”; Thông tư số 164/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, mặt hàng đá granite… Đồng thời, bản thân các DN KT-CBĐ đã tập trung củng cố, sắp xếp lại tổ chức, nâng cao năng lực quản trị; cải tiến, đổi mới trang thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, một số DN KT-CBĐ đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và phát triển.
Một trong những DN KT-CBĐ trên địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả là Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite với giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 10 tháng đầu năm 2014 tăng gần 114% so với cùng kỳ. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Hoàn Cầu, cho biết: Đạt được kết quả trên là do Hoàn Cầu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu...
Định hướng phát triển: Rộng và sâu
Theo thống kê của Sở Công Thương, 10 tháng đầu năm 2014, sản lượng đá ốp lát trên địa bàn tỉnh tăng gần 73,6% so với cùng kỳ năm 2013; đá lát, đá khối tăng trên 43,4%; đá xây dựng tăng gần 14%... Giá trị KNXK 10 tháng của mặt hàng đá đạt 16,9 triệu USD, tăng 99,3%.
Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương: Về kế hoạch phát triển ngành KT-CBĐ, phấn đấu đến năm 2015, công suất khai thác đá granite trên địa bàn đạt 50.000 m3/năm và đến năm 2020 đạt 65.000 m3/năm, đồng thời nâng công suất chế biến lên 2 triệu - 2,2 triệu m2/năm. Để đạt được kế hoạch này đòi hỏi các DN trong lĩnh vực này phải có sự nỗ lực rất lớn. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ có hiệu quả về mặt cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Về phía DN, ông Lê Anh Tuấn cho biết, mục tiêu mà Công ty Hoàn Cầu đề ra là: Phấn đấu trong năm 2015 đạt giá trị KNXK 5 triệu USD và năm 2016 đạt 9 triệu USD. Để thực hiện mục tiêu trên, Hoàn Cầu quyết định đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến đá granite với công suất khoảng 1.000m2 /năm và lắp đặt dây chuyền công nghệ hiện đại của Italia. Đồng thời, Công ty sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản - một thị trường đầy tiềm năng.
Còn ông Lê Văn Thảo cho rằng: Các DN KT-CBĐ trên địa bàn cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận và phát triển thêm các thị trường mới (nhất là thị trường Trung Đông, Nhật Bản), đẩy mạnh hoạt động XK trực tiếp và liên kết với các DN Nhật Bản để tăng giá trị KNXK. Ngoài sản phẩm đá ốp lát, các DN nên mở rộng thêm sản phẩm đá thủ công mỹ nghệ, đá trang trí sân vườn… Đồng thời, các DN trên địa bàn cũng cần tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo các quy chuẩn quốc tế; liên kết khảo sát, thăm dò, khai thác các mỏ đá trong và ngoài tỉnh để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến…
VIẾT HIỀN