Nguy cơ cúm chồng cúm
Ngày nào cũng ghi nhận có bệnh nhân cúm A/H1N1, dịch bệnh này đang có chiều hướng diễn biến phức tạp với số người mắc tăng nhanh, cùng với đó là nhiều chùm ca bệnh xuất hiện ở một số địa phương. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập khi mà số người mắc và tử vong ở Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan do loại virus cúm nguy hiểm này gây ra tiếp tục tăng.
Cán bộ y tế phát tờ rơi hướng dẫn người dân cách phòng chống cúm.
Không hoang mang nhưng đừng chủ quan
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, trước diễn biến nguy hiểm của dịch cúm A/H7N9 trên thế giới và dịch cúm H1N1 trong nước, gần đây số người bệnh có các triệu chứng ho, sốt, viêm họng, hắt hơi, sổ mũi tới khám cúm tại bệnh viện tăng đột biến. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám từ 100 - 120 ca nghi nhiễm cúm. Sau khi sàng lọc, mỗi ngày bệnh viện phát hiện từ 4 - 5 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 nhưng phần lớn đều trong tình trạng nhẹ. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 rất nặng và hiện bệnh viện đang phải điều trị cho 3 bệnh nhân nhiễm A/H1N1 biến chứng viêm phổi phải thở máy.
Trước tình trạng số ca mắc cúm A/H1N1 gia tăng, cùng với một số chùm ca bệnh xuất hiện ở một số địa phương như: Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Nội… TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương quan ngại cho biết, qua giám sát cúm trong vòng 5 tuần qua, cúm A/H1N1 được phát hiện nhiều nhất chiếm khoảng 48% trong tổng số mẫu dương tính với cúm. Ngoài ra, qua giám sát 395 mẫu bệnh phẩm nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng cho thấy virus cúm gây ra là 9,4% trường hợp mắc gồm cúm B, cúm A/H3N2 và cúm A/H1N1.
Trước kết quả giám sát trên, TS Trần Như Dương cho rằng, đây là các chủng cúm mùa đang cùng lưu hành ở nước ta, trong đó có sự gia tăng của cúm A/H1N1. Tuy nhiên, sự gia tăng này không phải là bất thường vì các tuýp virus cúm luôn có sự thay đổi và luân chuyển. Do đó, người dân không nên quá hoang mang, nhưng không được chủ quan vì tất cả cúm mùa đang lưu hành hiện nay đều có khả năng gây cúm nặng, với nguy cơ tử vong không nhỏ.
Lo ngại cúm A/H7N9
Hiện nay virus cúm A/H7N9 lại đang diễn biến rất phức tạp ở Trung Quốc và Đài Loan. TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thông báo mới nhất của WHO, trên thế giới đã có 127 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó 27 người tử vong tại Trung Quốc và Đài Loan. Đáng lo ngại là số ca nhiễm cúm H7N9 tăng lên từng ngày, lan rộng ra nhiều khu vực, không loại trừ mọi lứa tuổi mắc, với tỷ lệ tử vong cao. Các kết quả nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy, virus cúm A/H7N9 có gen từ virus cúm gia cầm, là tổ hợp của nhiều loại virus khác nhau, làm tăng khả năng lây truyền sang người và tiểm ẩn nguy cơ đại dịch.
Trước thực tế này, PGS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận có bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9. Nhưng virus cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở Việt Nam nếu chúng ta lơ là và không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng bệnh chủ động. Bởi lẽ, các nhà khoa học nhận định virus cúm A/H7N9 có khả năng lây mạnh hơn so với cúm A/H5N1, tỷ lệ gây tử vong tới hơn 20%.
Trong khi đó, cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vaccine phòng cúm A/H7N9, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi môi trường bị nhiễm virus cúm này sẽ dễ lây sang người và bùng phát thành dịch trong cộng đồng, gây khó khăn trong điều trị. Đáng lo ngại hơn, Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới dài, trong khi việc buôn bán, nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm rất khó kiểm soát và người dân hai bên qua lại hàng ngày rất lớn.
Trước nguy cơ nhiều dịch cúm cùng bùng phát, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường các hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp. Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN-PTNT giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của virus cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm để xử lý triệt để ổ dịch, cũng như triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người.
Đặc biệt, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu. Ngành y tế tiếp tục triển khai chặt chẽ kiểm dịch y tế biên giới, tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus cúm gây ra để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
"Khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám để được tư vấn tốt nhất, không nhất thiết phải xét nghiệm. Để dự phòng cúm mùa tốt nhất nên tiêm vaccine để chủ động phòng bệnh. Ngoài ra, cúm là bệnh lây qua đường hô hấp nên phương pháp phòng cúm quan trọng đầu tiên phải rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Thường xuyên mở cửa thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật, dụng cụ bằng các nước sát khuẩn thông thường, tăng cường nâng cao thể trạng bằng hoạt động thể dục thể thao. Khi tiếp xúc nơi đông người, nơi xảy ra dịch, với người mắc bệnh hô hấp cấp tính nên đeo khẩu trang"
. Theo SGGPO