Vụ lấn chiếm lối đi chung tại phường Đống Đa, TP Quy Nhơn: Nên sớm giải quyết dứt điểm vụ việc
Ông Nguyễn Việt Út và Lê Văn Phương (đồng trú tổ 34, KV 7, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) tự ý dựng cổng ngõ, rào chắn lối đi chung, lấn chiếm một phần diện tích đất công. Việc làm này đã bị hàng xóm láng giềng phản đối kịch liệt, chính quyền địa phương và UBND TP Quy Nhơn “tuýt còi”, nhưng nhiều năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Khoảng năm 2005, ông Út và ông Phương cùng nhau chung tiền làm cổng ngõ bằng khung sắt bọc lưới B40, sau đó rào chắn trước lối đi chung, lấn chiếm hơn 19m2 đất công, tọa lạc tại tổ 34, KV 7, phường Đống Đa. Theo trình bày của ông Út và ông Phương làm vậy nhằm mục đích ngăn chặn, đề phòng nạn trộm, cắp, bảo vệ môi trường tại lối đi chung (!)
Khoảng năm 2007, khi xây dựng lại nhà, gia đình ông Phương tiếp tục chiếm dụng một phần diện tích thuộc phía sau lối đi chung; họ làm vậy bởi hồ sơ địa chính lập năm 1997 có phần thể hiện đường luồng riêng của gia đình mình. Thế nhưng, việc làm này của gia đình ông Phương khiến mỗi khi trời mưa, nước từ núi Bà Hỏa chảy xuống theo lối đi chung, sau đó đổ ra đường Trần Hưng Đạo bị ngăn cản, dẫn đến hiện tượng nước tràn vào phía sau nhà ông Út. Do vậy, từ thời điểm đó đến nay, giữa 2 gia đình liên tục xảy ra tranh chấp lối đi chung, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh.
UBND phường Đống Đa xác định nguồn gốc lối đi chung giữa nhà ông Út và ông Phương có từ trước năm 1975, là không gian để dẫn nước mưa chảy từ núi Bà Hỏa có lối thoát ra phía đường Trần Hưng Đạo. Đồng thời, đây là ngõ để người dân lên xuống núi Bà Hỏa.
Căn cứ theo thực tế lịch sử, người dân đề nghị phường giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm lối đi chung, trả lại sự thông thoáng nguyên thủy. Tại văn bản báo cáo lên UBND TP Quy Nhơn ngày 22.12.2011, UBND phường Đống Đa nêu rõ: Hồ sơ địa chính lập năm 1997 có thể hiện phần đường luồng chung giữa 2 nhà và phần đường luồng riêng nhà ông Phương. Nhưng kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, phía sau nhà ông Út và ông Phương là núi Bà Hỏa; do đó, đề nghị 2 hộ không được xây dựng công trình kiên cố trên đường luồng làm cản trở dòng thoát nước; đồng thời, phải tháo dỡ toàn bộ hàng rào và cánh cổng chắn ngang trên đường luồng giữa 2 nhà.
Tháng 4.2013, UBND TP Quy Nhơn ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với cả 2 ông. Qua đó, buộc 2 ông tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Nhưng cả hai đều không tự giác chấp hành. Đến tháng 3.2014, UBND TP Quy Nhơn ban hành thông báo cưỡng chế, phá dỡ vật kiến trúc, xây dựng vi phạm trên lĩnh vực đất đai, xây dựng đối với ông Út và ông Phương, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu trước ngày 10.4.2014. Thế nhưng, mãi đến ngày 10.11.2014, các cánh cổng rào chắn lối đi chung giữa nhà ông Út và ông Phương vẫn còn nguyên.
Ông Út cho biết: “Tôi hoàn toàn chấp hành yêu cầu của UBND TP Quy Nhơn; nhưng ngặt nỗi, cánh cổng trước kia do 2 người cùng làm, nên tôi muốn dỡ mà ông Phương không đồng ý thì cũng chịu!”.
Có thể thấy, việc cá nhân tự ý dựng cổng ngõ, rào chắn lối đi chung, chiếm dụng một phần diện tích đất công là hành vi vi phạm đã rõ ràng. Đã 6 năm trôi qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, làm ảnh hưởng không tốt đến dư luận và an ninh trật tự, đề nghị UBND phường Đống Đa giải quyết sớm dứt điểm vụ việc.
CÔNG LUẬN
Gia đình một người bạn của tôi cũng bị hộ kế bên chiếm hẽm chung mặc dù hẽm này đã được nhà nước công nhận là hẽm của nhà nước (không thuộc sở hữu riêng của hộ nào. Họ làm cổng và nâng hẽm làm nước từ hẽm tràn vào nhà bạn tôi. Nhà bạn tôi nói đã làm đơn đưa ra địa chính phường rồi, nhưng cán bộ phường chỉ nói cho qua chuyện. trên biên bản thì nói sẽ cưỡng chế tháo gỡ nhưng cả 2 năm nay vẫn không thấy tháo gỡ. Khi bạn tôi đưa đơn yêu cầu phường cưỡng chế hộ đó tháo dỡ thì phường nói họ không giải quyết được và đã báo lên quận.Tôi không biết hộ kia và cán bộ phường có quan hệ thế nào mà cán bộ phường không cưỡng chế được họ tháo dỡ phần lấn chiếm trái phép đó