Hào hứng với bóng rổ
Qua gần một năm hoạt động sôi nổi, CLB bóng rổ Nhà Văn hóa Lao động tỉnh đang trở thành sân chơi hấp dẫn nhiều thanh thiếu niên yêu thích bộ môn này.
Nằm ở vị trí khuất phía sau Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, nhưng không vì thế mà sân tập của CLB bóng rổ kém sôi động so với những hoạt động khác. Đến với CLB lúc trời đã xẩm tối, chúng tôi chứng kiến sự hào hứng của các cậu bé, cô bé với những trái bóng trên sân. Các em được chia thành hai nhóm, những người mới vào được tập riêng ở một khoảng sân, với những động tác đơn giản như dằn bóng, chia cặp chuyền qua lại; ngay bên cạnh, một nhóm với nhiều thành viên lớn hơn một chút được chia làm hai tốp thi đấu tập khá sôi động.
Theo anh Nguyễn Đình Cẩm, hướng dẫn viên CLB bóng rổ Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, độ tuổi phù hợp để bắt đầu chơi bóng rổ là từ 8-9 tuổi. Các em đến với CLB sẽ được hướng dẫn theo 3 bước: những động tác dằn bóng cơ bản, đứng tại chỗ ném bóng vào rổ và di chuyển để ném bóng. Thông thường, những em tiếp thu nhanh có thể thuần thục các động tác sau 2-3 tháng tập luyện. Sau đó, các em có thể tham gia đấu tập nội bộ.
CLB bóng rổ Nhà Văn hóa Lao động tỉnh mới thành lập được gần một năm, nhưng tại đây có những thành viên đã tham gia chơi môn này 3-4 năm. Đó là những em từng tham gia lớp bóng rổ năng khiếu, do Trường Năng khiếu TDTT tỉnh cùng Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tổ chức trong các dịp hè những năm trước đây. Nhiều em vì bận học văn hóa, học thêm nên phải thay đổi lịch tập hoặc phải chia tay với niềm đam mê của mình. Vì vậy, số thành viên của lớp học cũng thường xuyên thay đổi, nhưng thông thường duy trì được khoảng hơn 20 em/buổi. Vào dịp hè, số thanh thiếu niên đến với CLB có thể tăng lên 60-70 em/buổi.
Trong phút nghỉ giải lao, Nguyễn Sơn Tùng (14 tuổi) cho biết, em đã tập bóng rổ gần 4 năm. Trước đây em thường theo cha đến chơi ở các CLB bóng bàn, nhưng cảm thấy không có năng khiếu với môn này nên chuyển sang tập bóng rổ và “kết” luôn từ đó đến giờ. Cậu em trai là Nguyễn Thanh Tùng cũng được anh mình hướng cho tham gia môn này, hiện cả hai đều là những “vận động viên” nổi trội trong lớp.
Với học phí 120.000 đồng/người cho 3 buổi tập mỗi tuần (được chia theo các suất vào thứ Hai, Tư, Sáu và Ba, Năm, Bảy, từ 17 giờ), nhiều phụ huynh xem đây là mức chi phí vừa phải để giúp con em họ tham gia vào một hoạt động thể thao có tính vận động cao, nhằm rèn luyện sức khỏe và giảm bớt mệt mỏi sau những buổi học văn hóa.
Ngồi xem cháu ngoại là Ngô Văn Tú (học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt) chơi bóng cùng các bạn, ông ngoại của cậu bé tâm sự: “Thấy cháu có vẻ thừa cân so với các bạn cùng trang lứa, nên gia đình khuyến khích cháu tham gia chơi thể thao cùng với việc giữ chế độ ăn hợp lý hơn. Trước đây cháu có tập võ, nhưng xem ra hiệu quả không bằng chơi bóng rổ. Mới chơi bộ môn này được hơn một tháng, nhưng tôi thấy cháu nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, thể lực cũng được tăng cường đáng kể so với những ngày đầu mới đến với bóng rổ. Hy vọng việc tập bóng rổ sẽ giúp cháu tôi có chiều cao và sức khỏe tốt hơn”.
Anh Nguyễn Đình Cẩm cho biết: “Bóng rổ là môn thể thao tập thể, đòi hỏi người chơi phải có sự quan sát tốt, nhanh nhẹn và thể lực tốt. Với những thành viên của CLB này, chúng tôi không có tham vọng hướng các em theo con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp, bởi hầu hết đều chỉ xem đây là nơi tập luyện để nâng cao sức khỏe. Điều quan trọng nhất là giúp các em nắm vững những kỹ thuật cơ bản, tạo sự gắn kết với các thành viên và cùng duy trì niềm đam mê với bóng rổ. Việc đến với thể thao sẽ hướng các em đến lối sống lành mạnh hơn, dễ hòa đồng và có trách nhiệm với tập thể hơn”.
LÊ CƯỜNG