An toàn lao động tại các công trình xây dựng:
Chưa được quan tâm đúng mức
Tại khoản 2, Điều 11 Thông tư 39/2009, nêu rõ: “Đối với nhà ở có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250 m2 hoặc từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở có tầng hầm hoặc thi công nâng tầng nhà ở thì tổ chức thi công xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định tại Điều 53 Nghị định 12/2009/NĐ-CP”. Song thực tế, nhiều nhà thầu vẫn nhận thi công các công trình nằm ngoài khả năng của mình.
Có mặt tại các công trình xây dựng dân dụng dọc tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua khu vực Tiên Hội, phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn), chúng tôi chứng kiến hình ảnh thợ xây vắt vẻo ở độ cao gần 20m nhưng không đeo dây bảo hiểm, bên dưới không có lưới chắn bảo hộ. Dù làm việc ở dưới mặt đất hay trên cao, thợ xây chủ yếu đội mũ mềm; các loại mũ bảo hộ trong xây dựng chưa được nhiều người sử dụng. Theo các thợ xây, làm việc trên cao mà không có dây an toàn hay đồ bảo hộ là rất nguy hiểm.Cách đây không lâu, anh Trương Văn Kiệt (SN 1965, trú tại thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) bị ngã giàn giáo trong lúc xây nhà tại một gia đình ở Phú Tài. Vụ tai nạn chết người này đã để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình, người thân. Mới đây (24.10), là vụ ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1963, ở xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân) đang cắt bê tông cầu Thành Mỹ, thuộc khối 8, thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn thì bị điện giật chết.
Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ TNLĐ chết người được khai báo, con số thực tế còn có thể lớn hơn bởi phần lớn trường hợp TNLĐ các gia đình đều tự xử lý; chính quyền địa phương cũng không theo dõi và nắm hết. Ngoại trừ các trường hợp gây chết người hoặc có từ hai người bị thương trở lên được báo về Thanh tra ngành LĐ-TB&XH, các trường hợp TNLĐ còn lại thường được xử lý theo thỏa thuận.
Ông NGUYỄN HOÀNG VIỆT, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH
Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng có nhiều lý do, trong đó có tình trạng người lao động thiếu kiến thức và ý thức về an toàn lao động. Lực lượng lao động chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do, phần nhiều chưa được đào tạo bài bản nên ý thức bảo hộ lao động rất kém, chỉ biết làm lấy ngày công, ít khi quan tâm đến an toàn lao động.
Trong khi đó, các chủ thầu với kỹ thuật, công nghệ hạn chế, công tác giám sát thi công, đảm bảo an toàn lao động không được coi trọng. Hơn nữa, với các công trình xây dựng lớn, chủ đầu tư dự án thường thuê nhà thầu đảm trách từng phần việc. Các nhà thầu lại thuê các nhóm thợ thi công. Vấn đề bảo đảm an toàn lao động được đẩy hết cho các cai thầu; đơn vị thuê lao động gần như không có trách nhiệm. Vì thế, khi xảy ra TNLĐ, đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người lao động. Ngoài ra, công tác quản lý, thanh tra lao động của Sở còn mỏng, chưa chặt.
Để hạn chế tình trạng mất an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng, người lao động, chủ đầu tư phải nâng cao ý thức, trách nhiệm về an toàn lao động. Các ngành chức năng, địa phương cần kiểm tra, xử phạt nghiêm các công trình xây dựng vi phạm.
TRỌNG LỢI