Kiểm soát tải trọng xe: Sẽ quản lý chặt từ khâu xếp hàng hóa
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) tại Hội nghị triển khai ký cam kết không xếp hàng hóa lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép, diễn ra ngày 12.11, tại TP Quy Nhơn.
Cơ quan chức năng kiểm tra tải trọng xe trước khi vào Cảng Quy Nhơn. Ảnh: K.ANH
Theo ông Cường, trước những hậu quả do xe quá tải gây ra như TNGT gia tăng, hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh, thì việc Bộ GTVT phối hợp với ngành CA và các địa phương triển khai cân tải trọng trên toàn quốc đã đem lại kết quả rất khả quan: giảm hơn 55% xe quá tải. Để hạn chế xe chở quá tải trọng, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng thì công tác kiểm soát tải trọng ngay từ khâu xếp hàng hóa cũng cần được các đầu mối hàng hóa lớn tuân thủ đúng quy định.
Tại Hội nghị, trên 60 đại biểu là đại diện cho các doanh nghiệp, các mỏ vật liệu, các đầu mối hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh đều đồng tình với chủ trương này của Chính phủ. Theo ông Trần Công Liệu, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Thị Nại, nơi tiếp nhận và chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường biển và ngược lại, việc kiểm soát xếp dỡ giao nhận hàng theo đúng trọng tải được kiểm soát chặt. Tuy nhiên, ông Liệu cho biết, thực tế triển khai cũng gặp một số khó khăn, như: Đối với các mặt hàng đóng bao bì, tuy thuận tiện cho việc kiểm soát giao hàng, khi vận chuyển đến chuyến xe cuối thường dư vài tấn so với tải trọng xe, nếu cho xe chở tăng thì vi phạm, mà không giải quyết thì chủ hàng phàn nàn. Hoặc một số mặt hàng không thể tách rời hoặc hàng rời như clinker, than đá, việc xếp dỡ phải bằng cẩu, nên khó xác định khối lượng chính xác”.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, để kiểm soát tải trọng xe có kết quả thì việc duy trì các trạm cân lưu động phải thường xuyên, lâu dài, nhằm tạo sự bình đẳng cho các đơn vị vận tải, cũng như trả giá cước vận tải về với giá trị thực chứ không phải ảo như lâu nay; Bộ GTVT cần sớm khảo sát và cắm biển tải trọng cầu trên toàn quốc, vì nghịch lý hiện nay là hầu hết cầu trên quốc lộ cắm biển tính tải chung cả xe chứ không tính tải trọng trục.
Ông Trần Châu, Giám đốc Sở GTVT, cho biết, so với các địa phương khác, Bình Định là địa phương chủ động triển khai việc ký cam kết tải trọng trước khi Chính phủ có quy định. Để công tác kiểm soát tải trọng phát huy hiệu quả, thời gian tới, các ngành các cấp của tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ và có hiệu quả đến các chủ đầu mối xếp dỡ hàng hóa, các mỏ vật liệu, mỏ quặng, kho hàng về ý thức chấp hành pháp luật trong bảo vệ hệ thống giao thông đường bộ quốc gia, đảm bảo ATGT. Ngành chức năng của tỉnh kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về xếp hàng và chở quá tải trọng cho phép; không tiếp nhận bốc xếp hàng hóa và ký hợp đồng vận chuyển đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị xử lý theo thông báo của lực lượng chức năng; tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động kiểm soát tải trọng xe trên tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh và đường bộ địa phương.
K.ANH