Kết thúc Dự án “Lá chắn xanh”: Nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai
Dự án (DA) “Lá chắn xanh: Tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng ven biển trước những tác động của thiên tai” đã kết thúc sau 2 năm triển khai (2013-2014) thực hiện trên địa bàn tỉnh. Kết quả, DA không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, mà còn nâng cao khả năng ứng phó của cộng đồng ven biển trước những rủi ro do thiên tai. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở TN-MT, quanh vấn đề này.
Diễn tập ứng phó, PT-GNRRTT của cộng đồng ven biển là một trong những hoạt động quan trọng của Dự án “Lá chắn xanh”.
- Trong ảnh: Diễn tập ứng phó, PT-GNRRTT tại phường Nhơn Bình - TP Quy Nhơn.
● Xin ông cho biết về mục đích của Dự án “Lá chắn xanh”?
- “Lá chắn xanh” là DA do Tổ chức Cứu trợ - Phát triển Catholic Relief Services (CRS) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ cho Việt Nam. Đây là hai tổ chức đang hoạt động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; chuyên hỗ trợ, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục - y tế - xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật, giáo dục nguy cơ bom mìn và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Mục đích chính của DA là nhằm tăng cường khả năng ứng phó với rủi ro thiên tai của các cộng đồng ven biển. Tại Bình Định, TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước được chọn tham gia DA (địa phương cùng được chọn hỗ trợ trong đợt này với Bình Định là tỉnh Quảng Nam). Mục tiêu của DA là nâng cao năng lực cho khoảng 300 cán bộ tỉnh, huyện và xã cũng như người dân trong cộng đồng và hỗ trợ cho khoảng 48.000 dân thuộc 12.000 hộ gia đình của 2 tỉnh Quảng Nam và Bình Định để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra. Vốn hỗ trợ để thực hiện DA là 400 ngàn USD; đây là vốn viện trợ không hoàn lại của Văn phòng Hỗ trợ thiên tai nước ngoài của USAID. Trong đó, tổng mức hỗ trợ cho Dự án “Lá chắn xanh” tại Bình Định là 2,47 tỉ đồng.
● Những nội dung cơ bản của DA được thực hiện ở tỉnh ta là gì?
- Có 6 mục tiêu chủ yếu mà DA tập trung thực hiện. DA đã hỗ trợ để chính quyền và cộng đồng các xã, phường ven biển của TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước thực hiện các sáng kiến phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai (PT-GNRRTT) dựa vào cộng đồng. Thứ hai, hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương ứng dụng các biện pháp phòng tránh nhằm bảo vệ sinh kế và tài sản trước tác động của thiên tai. Thứ ba, hỗ trợ cộng đồng trong vùng DA thực hiện các hoạt động ứng phó có hiệu quả khi có thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm. Thứ tư, hỗ trợ cộng đồng và chính quyền địa phương trồng và quản lý rừng ngập mặn một cách hiệu quả. Thứ năm, các trường tiểu học thực hiện chương trình tích hợp PT-GNRRTT phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thứ sáu, chính quyền địa phương tài liệu hóa quy trình thực hiện và nhân rộng tới các huyện khác.
Để thực hiện có hiệu quả 6 mục tiêu nói trên, DA tập trung vào 5 nhóm hoạt động chính, gồm: Nâng cao năng lực cộng đồng PT-GNRRTT; cảnh báo sớm thiên tai; bảo vệ sinh kế cộng đồng; PT-GNRRTT trong trường học; trồng và bảo vệ rừng ngập mặn.
● Kết quả của DA như thế nào, thưa ông?
- Có thể nói, DA “Lá chắn xanh” triển khai ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan. Qua 2 năm (2013-2014), DA đã triển khai thực hiện khá nhiều hoạt động, như: Hỗ trợ cán bộ và người dân địa phương lập bản đồ, xác định các vùng và tài sản dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và có giải pháp huy động các nguồn lực và phương tiện tại chỗ để ứng phó với thiên tai. Tập huấn cho tập huấn viên về lập kế hoạch PT-GNRRTT có sự tham gia của cộng đồng. Tập huấn kiến thức, kỹ năng PT-GNRRTT (sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn…) cho các thành viên đội xung kích và các hộ gia đình dễ bị tổn thương. Hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với từng mùa vụ nhằm PT-GNRRTT. Nghiên cứu, biên soạn các tài liệu để giảng dạy, lồng ghép PT-GNRRTT và sát thực với điều kiện khí tượng thủy văn của từng địa phương. Tập huấn phương pháp, kỹ năng giảng dạy cho giáo viên về lồng ghép PT-GNRRTT, đồng thời hỗ trợ các trường tiểu học trong việc giảng dạy về PT-GNRRTT. Hỗ trợ nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm thiên tai và các trang thiết bị PT-GNRRTT. Tổ chức diễn tập ứng phó với thiên tai và thảm họa xảy ra. Tập huấn kiến thức trồng và bảo vệ rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng…
Kết quả, DA không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, mà còn nâng cao khả năng ứng phó, PT-GNRRTT của cộng đồng ven biển tỉnh ta, cụ thể là tại TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Qua 2 năm triển khai DA, tỉ lệ nhà cửa bị thiệt hại do thiên tai giảm từ 38,2% xuống còn 34,3%; tàu thuyền bị thiệt hại giảm từ 5% xuống còn 1,5%; hoa màu bị thiệt hại giảm từ 40,3% xuống còn 32,4%; thủy sản bị thiệt hại giảm từ 12% xuống còn 0,5%. Đồng thời, DA cũng làm thay đổi hành vi của người dân, như tỉ lệ hộ gia đình thực hiện giằng chống nhà cửa tăng từ 55% lên 68%; số hộ tỉa cành và chặt cây quanh nhà trong mùa mưa bão tăng từ 12% lên 78%; số hộ giữ nguồn nước sạch tăng từ 52% lên 65%...
● Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)