Đưa điểm tư vấn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào trường học:
Nâng cao hiệu quả trợ giúp
Từ đầu năm 2014, 30 điểm tư vấn, tuyên truyền, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (sau đây gọi tắt là điểm tư vấn) được chuyển từ UBND cấp xã vào các trường học. Đây là sự “chuyển hướng” phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác trợ giúp trẻ yếu thế.
Hội thi tuyên truyền trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tổ chức tại Trường THCS Phước Thắng, huyện Tuy Phước.
Theo anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Sở LĐ-TB&XH, điểm tư vấn giúp cho các em được thông tin về chính sách trợ giúp trẻ em, được giải thích và trợ giúp về các vấn đề tâm sinh lý trong độ tuổi mới lớn, các tâm tư nguyện vọng, các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Điểm tư vấn cũng có nhiệm vụ tổng hợp kiến nghị của các em gửi lên cấp trên để công tác BVCSTE của địa phương ngày càng tốt hơn.
Đưa điểm tư vấn từ UBND cấp xã vào trường học mang lại nhiều lợi ích, nổi bật là rút ngắn quy trình tiếp nhận - xử lý thông tin và thực hiện biện pháp trợ giúp. “Người phụ trách điểm tư vấn nhận thông tin trực tiếp từ học sinh, trực tiếp đưa ra biện pháp trợ giúp, không cần phải qua khâu “trung gian” là giáo viên như trước đây. Những vụ việc vượt quá khả năng mới báo lên nhà trường và chính quyền. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban xã và các trường cũng góp phần tăng hiệu quả trợ giúp”, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, cán bộ phụ trách công tác BVCSTE của Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, phân tích.
Cùng quan điểm, cán bộ phụ trách công tác BVCSTE của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn Bùi Duy Diệu cho hay, đưa điểm tư vấn vào trường học tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được chia sẻ những khó khăn đang đối mặt. Tư vấn viên đồng thời là thầy - cô giáo có thể tác động tích cực đến cuộc sống của các em, nhất là trên lĩnh vực học tập, quan hệ bè bạn.
Tại huyện Hoài Nhơn, các trường THCS Tam Quan Nam, Hoài Hải, Hoài Tân và Hoài Châu được chọn để đặt điểm tư vấn. Mỗi điểm có 2 tư vấn viên cố định, chủ yếu là tổng phụ trách đội và cán bộ BVCSTE cấp xã. Theo thầy Lê Quang Bảo, Tổng phụ trách đội của Trường THCS Hoài Tân, đầu 2014 đến nay có hơn 10 em được trợ giúp trực tiếp tại điểm tư vấn. Trong số đó, nổi bật có trường hợp em Hoàng Thị Thu Hà, học sinh lớp 8A3. Hà ở với mẹ từ nhỏ; mẹ mất, em phải sống một mình. Tiếp nhận thông tin, thầy Bảo tổ chức làm thùng từ thiện, quyên góp được hơn 7 triệu đồng tặng Hà. Đồng thời, thông báo cho Hội Khuyến học xã, Công an huyện giúp đỡ. Liên đội Trường THCS Hoài Tân cũng nhận đỡ đầu, chăm lo sách vở, quần áo cho em.
“Trên thực tế, thầy - cô giáo là những người gần gũi với học trò, là người các em tìm đến khi cần tư vấn, giúp đỡ. Việc tổ chức điểm tư vấn tại trường học sẽ giúp hoạt động tư vấn, trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thêm bài bản, quy củ”.
Bà NGUYỄN THỊ PHƯỢNG, Trưởng phòng BVCSTE, Sở LĐ-TB&XH
Điểm tư vấn của Trường THCS Hoài Tân đặt tại phòng Đoàn - Đội, có số điện thoại của 2 tư vấn viên trên bảng hiệu treo bên ngoài. Gần 20 năm làm công tác BVCSTE của xã Hoài Tân, bà Nguyễn Thị Lai có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến con trẻ. “Chiếm lượng lớn trong các cuộc gọi tôi nhận được là của phụ huynh. Nhiều người không biết cách nào “uốn nắn” con cái khi chúng ham chơi hơn ham học. Còn tụi nhỏ thì than phiền ba mẹ quá khắt khe. Những lời khuyên đúng sẽ giúp các cháu và gia đình tin tưởng hơn”, bà Lai tâm sự.
Ngoài trợ giúp thường xuyên, các điểm tư vấn còn tổ chức hoạt động truyền thông tập trung cho học sinh. Cuối tháng 9 và đầu tháng 10.2014, dưới sự giúp đỡ của Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, điểm tư vấn tại Trường THCS Phước Hưng và Trường THCS Phước Thắng đã tổ chức Hội thi tuyên truyền trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội thi có các phần thi kiến thức, hùng biện theo tranh vẽ với các chủ đề về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em và chăm sóc bảo vệ trẻ em. Không chỉ thành viên các đội thi, các học sinh đều được tuyên truyền về các chính sách, chế độ ưu đãi đối với trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng; trang bị kiến thức về kỹ năng sống, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục, phòng chống tai nạn thương tích, cách xử lý khi gặp người khác đuối nước...
BÌNH PHƯƠNG