Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở Vĩnh Thạnh:
Hiệu quả cao nhờ dân vận khéo
Qua 2 năm thực hiện Quyết định 565 ngày 16.10.2012 của UBND tỉnh về tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT), huyện Vĩnh Thạnh là địa phương dẫn đầu cả tỉnh khi thu hồi được 35 khẩu súng các loại, nhiều quả đạn cối, 5 quả nổ, 0,7kg thuốc nổ, 50 kíp nổ.
Trong chiến tranh, Vĩnh Thạnh là vùng căn cứ địa cách mạng nên số lượng VK, VLN còn rơi vãi khá nhiều. Phần lớn đối tượng tàng trữ, sử dụng số VK, VLN này là bà con dân tộc thiểu số, với mục đích săn bắt thú rừng cải thiện cuộc sống. Những năm trước đây, mặc dù Nhà nước đã có chủ trương vận động toàn dân thu hồi nhưng việc thực hiện chưa thường xuyên, liên tục nên tình trạng người dân tàng trữ VK, VLN, CCHT vẫn còn. Nhiều trường hợp đi săn thú nhưng bắn nhầm người đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến ANTT ở địa phương. Từ năm 2001, thực hiện Nghị định 47 của Chính phủ, Vĩnh Thạnh cũng là địa phương được tỉnh chọn làm điểm về vận động toàn dân thu hồi VK, VLN, CCHT và đã thành công ngoài mong đợi.
Với kinh nghiệm đó, năm 2012, triển khai thực hiện Pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, huyện đã triển khai rất hiệu quả. Thiếu tá Đinh Văn Ngoan, Phó trưởng CA huyện cho biết, việc vận động phải kiên trì, khéo léo và phải chọn những cán bộ có kinh nghiệm, hiểu phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số thì mới đạt hiệu quả. Trung tá Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA huyện, cho biết thêm, qua nắm tình hình, CA huyện đã xác định các địa bàn trọng điểm, phân công cán bộ bám sát thực hiện “3 cùng”, thật sự hòa mình với cuộc sống, sinh hoạt của bà con. Nhờ đó, cán bộ biết ai còn tàng trữ, cất giấu VK, VLN, CCHT mà có hướng vận động giao nộp cho phù hợp. Để bà con tin, trước hết các anh vận động đối tượng từng là cán bộ xã, người có uy tín có VK, VLN gương mẫu giao nộp, bà con thấy thế tin tưởng làm theo.
Nói thì vậy, nhưng khi thực hiện thì không đơn giản. Trung tá Sơn kể lại trường hợp ông Đinh Văn Đúc ở làng K4, Vĩnh Sơn là cán bộ trong kháng chiến, còn cất giấu súng trong nhà nhưng cương quyết không giao nộp vì cho đó là kỷ vật chiến tranh. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, anh kiên trì phương châm “3 cùng”, chẳng khác người con của làng, thuyết phục mãi ông mới tự giác giao nộp vì “thương thằng cán bộ CA “nói dai” quá”. Một trường hợp khác là ông Đinh Bắc, nguyên cán bộ xã Vĩnh Sơn, thường sử dụng súng đi săn thú rừng. Cán bộ CA đến nhà vận động nhưng ông cứ tìm cách thoái thác, hết lý do này rồi lý do khác, khi thì để súng trên rẫy, khi thì gửi cho con cái. Bất kể lý do nào cán bộ CA cũng đi xác minh để thu hồi. Biết mình có lỗi vì “không thật cái bụng”, để cán bộ phải vất vả, ông đã tự giác mở tủ lấy súng giao cho CA. Ở xã Vĩnh Sơn, nhiều trường hợp cán bộ và người có uy tín của làng mang súng giao nộp nên bà con trong vùng thấy thế làm theo. Làng O5 (Vĩnh Kim) bà con giao nộp 14 khẩu súng; làng M8 (Vĩnh Hòa), ngoài 5 khẩu súng giao nộp, bà con còn hỗ trợ lực lượng CA truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép ở làng M9 (Vĩnh Hòa) thu 50 kíp nổ công nghiệp và 0,7kg thuốc nổ.
Thiếu tá Đinh Văn Ngoan cho biết, tuy đạt kết quả bước đầu nhưng số lượng VK, VLN, CCHT trong dân vẫn còn, nhất là súng bắn bằng cồn do bà con tự làm để săn bắn thú rừng. Vì vậy, đơn vị đang có kế hoạch tuyên truyền, vận động bà con giao nộp VK, VLN đang cất giữ trái phép, phòng ngừa tác hại, ảnh hưởng đến ANTT địa bàn.
DANH NHÂN