Sản xuất vụ Đông Xuân 2014-2015:
Chủ động phòng, chống hạn
Hiện nay tỉnh ta đã vào mùa mưa, song lượng mưa trong tỉnh khá thấp so với mức trung bình nhiều năm, khả năng lượng nước tích từ các hồ chứa nước sẽ không đủ đáp ứng cho vụ Đông Xuân (ĐX) 2014-2015 và sản xuất nông nghiệp (SXNN) cả năm 2015. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương sẵn sàng phương án đối phó với nguy cơ hạn hán.
Nguy cơ hạn hán
Theo Sở NN-PTNT, tình hình thời tiết năm nay ở tỉnh ta diễn biến rất bất thường, lượng mưa khá thấp so với mức trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa 9 tháng đầu năm 2014 chỉ có 708mm, đạt 79% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Lượng mưa trong tháng 10 (tháng của mùa mưa) cũng chỉ đạt 91% so với trung bình nhiều năm; 10 ngày đầu tháng 11, một số huyện ở phía Bắc tỉnh có mưa khá (An Lão lượng mưa 133mm, Hoài Nhơn 240 mm), nhưng các địa phương khác chỉ có mưa nhỏ, dao động từ 24-80 mm.
Lượng mưa thấp, nên lượng nước tại các hồ chứa không nhiều. Hiện các hồ chứa nước trong tỉnh mới chỉ tích được 166/575 triệu m3 nước, đạt 29% so với thiết kế và bằng 61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 15 công trình do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định quản lý tích được 126/458 triệu m3, đạt 34% so với thiết kế; hồ chứa nước do các địa phương quản lý tích được 40/117 triệu m3. Đáng chú ý, lượng nước tại hồ Núi Một chỉ đạt 19% so với thiết kế. Ngoài ra, lượng nước tại 4 hồ chứa khác cũng mới chỉ đạt 10% dung tích thiết kế.
Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết: Khả năng tích nước của các hồ chứa từ nay đến đầu tháng 12 phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa của nửa tháng 11 còn lại này. Nếu lượng mưa tập trung khoảng 300-400 mm thì các hồ chứa có thể tích được 60-70% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, theo dự báo, khả năng xuất hiện El Nino trong vụ ĐX 2014-2015 khoảng 50-60%, nên lượng mưa có thể không đạt được như mong muốn. Do vậy, nguy cơ xảy ra hạn hán trong vụ ĐX và SXNN năm 2014 là rất cao.
Theo tính toán của ngành chức năng, nếu không xảy ra nhiều đợt mưa lớn, khả năng có 4.650 ha diện tích lúa ĐX ở nhiều địa phương bị thiếu hụt nước tưới vào cuối vụ. Trong đó, có khoảng 3.700 ha chân đất sản xuất 1 vụ lúa/năm ở các huyện: Phù Mỹ (1.600ha), Phù Cát (1.700 ha), Hoài Nhơn (400 ha) và 950 ha đất sản xuất lúa ăn nước tưới từ các công trình tạm, mương, suối nhỏ ở Vĩnh Thạnh (500 ha), Vân Canh (200 ha), An Lão (150 ha), Tây Sơn (100 ha). Ngoài ra, việc cung cấp nước sinh hoạt cho người và gia súc, nước phục vụ nuôi trồng thủy sản ở Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Quy Nhơn, Tuy Phước cũng sẽ gặp khó khăn. Do vậy, cần phải có phương án ứng phó với hạn hán có thể xảy ra trong vụ ĐX.
Chủ động các phương án phòng, chống
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng chủ động xây dựng phương án sản xuất vụ ĐX 2014-2015 trong điều kiện xảy ra hạn hán, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Kế hoạch gieo trồng vụ ĐX 2014-2015 của tỉnh là 63.386 ha (47.156 ha lúa và 16.230ha cây hoa màu). Trong đó, Công ty TNHH KTCTTL có khả năng tưới được 47.239 ha (43.869 ha lúa và 3.370 ha hoa màu) và các địa phương đảm bảo tưới được khoảng 29.512ha (27.431 ha lúa và hơn 2.000 ha màu). Còn 15.847 ha lúa và hoa màu nằm ngoài khu tưới các công trình thủy lợi ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Hoài Nhơn phải sử dụng nguồn nước tự nhiên. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, Sở NN-PTNT đã điều chỉnh lịch gieo sạ vụ ĐX 2014-2015 phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Theo đó, đối với chân 3 vụ lúa/năm, bắt đầu triển khai từ ngày 25.11 đến ngày 5.12, nhằm tận dụng nguồn nước trên các ao hồ, sông suối đầu vụ, hạn chế khả năng hạn cuối vụ. Chân đất sản xuất 2 vụ lúa/năm, gieo sạ từ ngày 1.12 đến 20.12, cho lúa trỗ tập trung sau ngày 5.3.
Cũng theo ông Phan Trọng Hổ, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Công ty TNHH KTCTTL xây dựng kế hoạch, lịch tưới thông báo cho các địa phương biết để chủ động điều hành sản xuất. Trên cơ sở lịch thời vụ chung của tỉnh, các địa phương linh động điều chỉnh thời điểm xuống giống thích hợp. Đối với một số vùng sản xuất khó khăn về nguồn nước, các địa phương cần tính toán, rà soát lại diện tích, để có phương án vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang sản xuất các loại cây trồng cạn cho phù hợp, nhằm tiết kiệm nước tưới và tăng hiệu quả sản xuất.
Tại Hội nghị sơ kết vụ Mùa năm 2014, triển khai vụ ĐX 2014-2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cũng đã yêu cầu Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và chủ động thực hiện phương án phòng chống hạn ngay từ đầu vụ sản xuất. Chỉ đạo quyết liệt việc lập kế hoạch phân phối nước tưới cho từng công trình hồ chứa. Tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước tưới cụ thể để lập kế hoạch tưới trong vụ ĐX. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị, địa phương tăng tối đa khả năng trữ nước tại các hồ chứa, đồng thời tính toán điều tiết nước phù hợp để vừa đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa bão vừa cung cấp nước tưới cho SXNN. Ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương chỉ đạo nông dân thực hành tiết kiệm nước tưới ngay từ đầu vụ, tận dụng lượng nước mặt hiện có để triển khai làm đất, gieo sạ vụ ĐX.
Các địa phương cần chủ động lên kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với nguồn nước tưới tại chỗ, hoặc chuyển sang các loại cây trồng cạn ít sử dụng nước tưới. Tăng cường nạo vét, tu sửa hệ thống kênh mương nội đồng để tưới tiêu kịp thời, hạn chế thất thoát nguồn nước tưới; áp dụng các biện pháp tưới tiêu khoa học, tưới luân phiên để tiết kiệm nước. UBND tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ kinh phí giúp các địa phương chống hạn và mua các loại giống cây trồng cạn để giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện hạn hán xảy ra…
PHẠM TIẾN SỸ