Nhân Tháng cao điểm vì người nghèo 2014 (17.10-17.11):
Nhiều hộ nghèo được tặng bò
Với nhà nông, nuôi bò sinh sản để từ đó có thể thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình là mơ ước của không ít hộ nghèo. Từ ngày 11 đến 13.11, Ban vận động chương trình “Chung tay vì cộng đồng” tỉnh trao giấc mơ ấy cho 85 hộ nghèo ở 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão.
Vui với “đầu cơ nghiệp”
Gọi “nuôi bò sinh sản” là giấc mơ không có gì quá. Mỗi con bò như thế trị giá hơn chục triệu đồng, đây là một món tiền khổng lồ với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Anh Đinh Văn Nhoát, 24 tuổi, ở làng K’Nâu, xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tâm sự: “Vợ chồng mình mới ra riêng, vốn liếng làm ăn không có bao nhiêu nên chẳng dám nghĩ đến chuyện mua con bò về để chăn nuôi, ổn định cuộc sống gia đình. Nay, được xuống huyện để nhận bò, nhà mình ai cũng vui!”.
Niềm vui của anh Nhoát cũng là niềm vui của 28 hộ gia đình khác có mặt tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Vân Canh vào sáng 11.11. Trò chuyện với chúng tôi, bà Châu Thị Trà, 70 tuổi, ở đội 1, thôn Chánh Hiển, xã Canh Hiển, vẫn còn chưa hết bất ngờ vì được sở hữu thứ tài sản giá trị lớn đến vậy. Bà kể: “Đêm qua, tôi mất ngủ. Sáng nay, tôi dậy thiệt sớm, lên xã để cùng mấy nhà khác đi lên huyện. Ở quê ai cũng quý con bò lai. Với cảnh đơn chiếc, không còn con cái bên cạnh như tôi, đó là tài sản lớn lắm cô ơi!”. Hình dung về chuyện chăm sóc con bò, bà Trà nhẩm tính: “Chuyện chăn bò vốn không quá cực nhọc nên dù đã tuổi cao, tôi vẫn làm tốt. Ngoài ra, khoảnh vườn đang bỏ không bên cạnh, tôi sẽ trồng cỏ để tăng thêm thức ăn tươi cho con bò. Chỉ mong thời tiết ôn hòa, ít dịch bệnh, con bò sớm sinh sản để tôi được mừng thêm”.
Sáng 12.11, sự vui mừng ấy lan về với bà con huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Sau thủ tục nhận bò, vợ chồng anh Trần Minh Hương, ở thôn Định Thiền, thị trấn Vĩnh Thạnh, vội dắt bò về nhà. Cái nắng hanh hanh trên đầu và sự bướng bỉnh của con bò trong ngày đầu theo chủ không làm vợ chồng anh tắt nụ cười trên môi. Nắm chắc sợi dây thừng dắt con bò theo hướng của mình, anh luôn miệng như nói với con nhỏ: “Đi thôi con! Về nhà sẽ được ăn cỏ”.
Anh Hương cho biết: “Hôm qua, mình vừa xây xong chuồng bò. Chuồng vẫn còn đơn giản nhưng đảm bảo giữ ấm cho bò trong mùa mưa này. Sáng hôm nay, chúng tôi đã kịp cắt cỏ để bò về đến nhà là có thức ăn. Từ nay, nó là tài sản của gia đình mình. Vợ chồng tôi đã cam kết chăm sóc bò tốt, không bán bò”.
Chú trọng chỉ “cách câu”
“Nhân Tháng cao điểm Vì người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ra lời kêu gọi cả cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ người nghèo cải thiện cuộc sống. Quan điểm chung là phải thiết thực, hiệu quả để từ đó mỗi gia đình có thể vươn lên thoát nghèo bền vững. Người nghèo có sức lao động nhưng thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất thì được hỗ trợ bò. Người nghèo chưa an cư, nhà ở xuống cấp thì được hỗ trợ nhà. Bệnh nhân nghèo được hỗ trợ viện phí, được động viên tinh thần, nhận cơm từ bếp ăn tình thương bệnh viện...”
Ông PHAN PHI HỔ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Trao “cần câu”, Ban vận động chương trình “Chung tay vì cộng đồng” tỉnh không quên hướng dẫn người nghèo “cách câu”. Ông Trần Hữu Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: “Trước thời điểm trao bò, địa phương đã tổ chức tập huấn cho các hộ được nhận bò về kỹ thuật chăm sóc, theo dõi phát hiện bệnh, trồng cỏ để có nguồn thức ăn đảm bảo... Mục đích hướng đến là phải thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con miền núi để đảm bảo sinh lời từ bò và thoát nghèo bền vững”.
Ngoài ra, nhằm kết nối với người nhận bò, hỗ trợ họ kịp thời trong suốt quá trình chăn nuôi, Chi nhánh Viettel Bình Định đã tặng mỗi hộ nghèo một chiếc điện thoại Viettel kèm theo gói cước buôn làng. Theo đó, khi có thắc mắc trong quá trình nuôi bò, các gia đình liên lạc về tổng đài sẽ được điện thoại viên là người dân tộc giải đáp, hướng dẫn cụ thể. “Trước giờ không có bò nên không biết cách chăm sóc bò sao cho khoa học, đạt năng suất. May sao, chúng tôi còn được tặng điện thoại, được hướng dẫn gọi đến số tổng đài để có thể hỏi ngay những cái mình không biết chứ không cần phải chạy vào tận huyện”, ông Đinh Thăng, 74 tuổi, ở thôn M6, xã Vĩnh Hòa, phấn khởi tâm sự.
Chính quyền địa phương cũng có nhiều cam kết nhằm hỗ trợ người nuôi bò. Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, trao đổi: “Chúng tôi cam kết sẽ quan tâm, chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ người dân địa phương để đàn bò sinh sôi, nhân rộng, góp phần đưa thông điệp nhân văn, sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng đến hộ nghèo, hộ chính sách. Cán bộ địa phương sẽ cùng theo dõi bò, hỗ trợ gia đình trong tiêm phòng, phối giống...”.
Theo ông Phan Phi Hổ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hoạt động hỗ trợ bà con trong chăm sóc bò để con bò giống thật sự là “cần câu” cần phải thật nhẫn nại, kiên trì. Đặc biệt, với đồng bào miền núi, tập quán chăn nuôi cần phải thay đổi để hiệu quả kinh tế cao hơn. MTTQ Việt Nam các cấp có trách nhiệm theo dõi, giám sát chuồng trại, tiêm phòng, phối giống... báo cáo thường xuyên lên Ban vận động số bò giống đã hỗ trợ cho người nghèo.
NGUYỄN MUỘI