Phong trào TDTT quần chúng: Phát triển nhưng chất lượng chưa cao
Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tiếp tục duy trì sự phát triển, song chất lượng chưa cao.
Tăng các chỉ số TDTT quần chúng
Tại TP Quy Nhơn, tính đến cuối năm 2013, số người tập luyện TDTT thường xuyên chiếm tỉ lệ trên 35% so với tổng số dân TP, tăng đến 12% so với năm 2010; số hộ gia đình thể thao đạt tỉ lệ 21,4% so với tổng số hộ gia đình, tăng 3,4% so với năm 2010. Hiện trên địa bàn TP Quy Nhơn đã hình thành trên 100 CLB TDTT theo hướng xã hội hóa, với nhiều loại hình khác nhau được đông đảo nhân dân tham gia. Bà Vũ Minh Thuận (72 tuổi), Chủ nhiệm CLB thể dục dưỡng sinh Sống vui sống khỏe thuộc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, tâm sự: “CLB được thành lập và hoạt động hơn 3 năm qua, hiện có hơn 80 hội viên là cán bộ hưu trí, người buôn bán… tham gia luyện tập thường xuyên để nâng cao sức khỏe, đoàn kết cùng đóng góp vào sự phát triển phong trào chung”.
Ở huyện Hoài Nhơn, người dân tích cực hưởng ứng phong trào TDTT, nên các chỉ số TDTT quần chúng đều tăng qua các năm. Năm 2013, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên trên địa bàn huyện đạt tỉ lệ 31,5% dân số, số hộ gia đình thể thao đạt tỉ lệ 26,5%. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng VHTT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” là một trong những kết quả tích cực khi thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện. Hằng năm, cấp huyện tổ chức 13 - 15 giải thể thao, cấp cơ sở tổ chức trên 130 giải thể thao. Tính đến tháng 9.2014, toàn huyện có 102 CLB Dưỡng sinh người cao tuổi, 54 CLB Cầu lông, 43 CLB bi da, 17 CLB võ thuật, 13 CLB thể hình, thể dục thẩm mỹ. Ngoài ra, còn có 194 đội bóng chuyền, bóng đá ở các địa phương, công ty, doanh nghiệp”. Cũng tăng dần chỉ số TDTT quần chúng là huyện Tây Sơn, có số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt tỉ lệ 31,19%, số gia đình thể thao đạt tỉ lệ 28,25% trong năm 2013.
Sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng đã giúp cho các huyện Tây Sơn, Quy Nhơn, Hoài Nhơn lần lượt giành giải Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn tại Đại hội TDTT tỉnh Bình Định lần thứ VII - 2014. Phong trào TDTT quần chúng cũng có sự phát triển ở nhiều địa phương khác. Nhờ vậy, các chỉ số về TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh đã tăng dần qua các năm. Năm 2013, số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt 30,42% (tăng 1% so với năm 2012), số hộ gia đình thể thao của tỉnh đạt 19,6% (tăng 0,5% so với năm 2012), có 610 CLB TDTT (tăng 40 CLB so với năm 2012).
Chất lượng chưa cao
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh tuy có bước phát triển nhưng chất lượng chưa cao, đối tượng luyện tập tập trung ở học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức. Ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo các hoạt động TDTT chưa được các cấp quan tâm đúng mức, thiết chế về thể thao cơ sở, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động phong trào TDTT cho các vùng dân tộc thiểu số còn thiếu, chủ yếu là các bãi tập theo địa hình tự nhiên. Kinh phí dành cho công tác TDTT vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa tương xứng với nhu cầu phát triển. Điều này dẫn đến số lượng người tham gia luyện tập thể thao ở các vùng, miền nêu trên còn hạn chế. Ngay cả huyện Vĩnh Thạnh đoạt giải Nhất toàn đoàn cụm 3 huyện miền núi tham gia Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII - 2014, nhưng hiện chỉ có 7.950 người (đạt tỉ lệ 28%) tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, 1.200 hộ gia đình thể thao (đạt tỉ lệ 15,4%). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT ở cơ sở phần nhiều kiêm nhiệm, không ổn định, chuyên môn hạn chế, đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động TDTT quần chúng…
Ngày 19.9.2013, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 16 của Chính phủ và Chương trình hành động số 16 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”. Một trong những mục tiêu của kế hoạch là tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động TDTT quần chúng. Kế hoạch cũng đã đặt các chỉ tiêu phát triển TDTT quần chúng đến năm 2015: Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt tỉ lệ 34,85%, gia đình tập luyện TDTT đạt 25,8% số hộ gia đình trong toàn tỉnh, 800 CLB TDTT…
Do đó, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ của Kế hoạch đã được đặt ra đối với việc phát triển TDTT quần chúng. Trước hết, cần triển khai xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển TDTT đối với các đối tượng xã hội đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật. Quan tâm hơn đến việc hỗ trợ đầu tư và ban hành các chính sách khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển TDTT quần chúng. Khuyến khích phát triển thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch…
HOÀI THU