Thay đổi kết cấu xe máy là vi phạm luật
Gần đây, việc thay đổi kết cấu xe máy (độ xe) thu hút nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, bởi sự mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và gây khó khăn cho ngành chức năng trong việc quản lý phương tiện.
Hiện nay, trên các đường phố tại Quy Nhơn, người tham gia giao thông dễ dàng bắt gặp nhiều xe gắn máy có kiểu dáng rất lạ, đủ màu sắc nhưng không biết nhãn hiệu gì, hãng nào sản xuất vì đã bị thay đổi kết cấu gần như toàn bộ.
“Phù phép”
Qua tìm hiểu tại một số “lò” độ xe, chúng tôi được biết, khách hàng có nhu cầu độ xe rất nhiều, chủ yếu là giới trẻ. Họ thường tìm mua những mô tô cũ; qua “phù phép” của các thợ sửa xe, để biến thành xe mới, có kiểu dáng khác so với thiết kế ban đầu.
Quan sát tại một cửa tiệm chuyên độ xe trên đường Hùng Vương (thuộc phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn), chúng tôi khá bất ngờ khi nhìn thấy trong kho có đến vài chục xe cũ nát, bám đầy bụi. Đây là cơ sở gò hàn, làm đồng (bộ khung) xe, “mông má” (làm đẹp, làm mới) xe được nhiều “tín đồ” tin tưởng, vì có nhiều thợ tay nghề cao, giá cả hợp lý. Ông B., chủ tiệm cho biết: “Những xe này được khách hàng mang đến để độ lại, nhưng nhiều quá nên tôi làm không kịp; có nhiều người đã gửi xe ở đây hơn một năm rồi”.
Trong vai người có nhu cầu độ xe, chúng tôi đến một “lò” ở đường Hoàng Hoa Thám (thuộc phường Thị Nại, TP Quy Nhơn). Anh Hải, chủ tiệm giới thiệu: “Tôi có thể làm nhái kiểu dáng của tất cả các loại xe theo yêu cầu của người chơi trong vòng 15 - 20 ngày. Giá cả thì tùy theo túi tiền của khách hàng, dao động từ 15 - 50 triệu đồng/con xe độ”.
Bên cạnh việc thay đổi kiểu dáng bên ngoài, một số tiệm sửa xe máy còn có dịch vụ nâng công suất máy (đôn dên, xoáy xi-lanh, tăng pic-tông cỡ lớn…). Nhiều chiếc được độ chế thành những xe “khủng”, máy không mang nổi xác xe, nên phải nâng công suất máy. Anh T., một chủ tiệm sửa xe trên đường Nguyễn Huệ, cho biết nâng công suất xe máy từ 49cc lên 100 - 150cc là chuyện đơn giản và đã từng làm cho trên 50 khách hàng như thế.
Khó khăn trong xử phạt, quản lý
Mô tô hai bánh, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) tham gia giao thông phải đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; như hệ thống hãm phanh có tác dụng, bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn của từng loại xe, còi có âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật, các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định… Tuy nhiên, những chiếc xe độ chế thì không đáp ứng được các yêu cầu này. Nếu trường hợp người sử dụng xe độ chế gây TNGT rồi bỏ chạy sẽ rất khó truy tìm thủ phạm.
Trung tá Nguyễn Tùng Tam, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Quy Nhơn, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Đội CSGT Công an TP Quy Nhơn đã phát hiện và tạm giữ 49 trường hợp điều khiển xe gắn máy đã thay đổi kết cấu, màu sơn, đèn, còi không phù hợp, phạt hơn 30 triệu đồng. Riêng trong ngày 9.11, đã tạm giữ 3 phương tiện thay đổi kết cấu lưu thông trên đường.
Việc xử lý vi phạm thay đổi kết cấu xe đã được quy định trong luật, tuy nhiên áp dụng trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Vì những xe “độ” tuy dễ thấy về trực quan, nhưng để xử lý vi phạm thì phải có sự giám định của ngành chức năng; trong khi đó, lực lượng CSGT TP Quy Nhơn chưa có đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nên đôi khi xử lý còn lúng túng. Mức xử phạt hành chính đối với các trường hợp này quá thấp, ít mang tính răn đe. Đối với các chủ tiệm độ chế, thay đổi kết cấu xe, muốn xử phạt vi phạm cần phải có sự phối hợp liên ngành.
“Sắp tới, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với CA phường tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các tiệm sửa xe gắn máy trên địa bàn TP Quy Nhơn tránh tình trạng thay đổi kết cấu xe. Còn với người điều khiển phương tiện không đạt chuẩn, CSGT TP Quy Nhơn sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm…”, Trung tá Nguyễn Tùng Tam cho biết thêm.
P.LỘC - L.PHƯƠNG