Vân Canh: Nỗ lực giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số
Huyện Vân Canh có dân số 28.386 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 40%. Thời gian qua, huyện đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS và đã đạt được một số kết quả khả quan.
Theo UBND huyện Vân Canh, hiện tại có 10 DTTS đang sinh sống trên địa bàn huyện, bao gồm: Bana, Chăm, Thái, Mường, Nùng, K’ho, Ê đê, Sán dìu, Nguồn, Tày với tổng số 3.102 hộ, 11.334 nhân khẩu. Từ năm 2009 đến nay, thực hiện NQ 30a của Chính phủ, huyện Vân Canh đã tập trung nhiều nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng DTTS; trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác giảm nghèo cho bà con.
Trong 5 năm qua, từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương gần 200 tỉ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều làng, thôn vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào DTTS sinh sống, đã có đường bê tông, đường cấp phối vào tận nơi, có điện, nước sinh hoạt, có nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa có nhiều thay đổi tích cực.
Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT giúp bà con DTTS nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và tiếp cận với những mô hình sản xuất có hiệu quả. Khuyến khích và hướng dẫn đồng bào dùng phân bón để cải tạo vườn, mở rộng hệ thống ao hồ để chứa nước chống hạn trong mùa khô, phát triển chăn nuôi, nhận quản lý bảo vệ rừng để tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân nghèo theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2014, huyện đã hỗ trợ 720 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ tiền điện, cung cấp muối iốt… cho người dân.
Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển giáo dục trong vùng DTTS, nhằm nâng cao trình độ dân trí để bà con tự ý thức vươn lên thoát nghèo. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cũng được quan tâm, trong năm 2014 huyện đã mở một số lớp dạy nghề như lớp điện dân dụng tại xã Canh Liên, có 30 học viên tham gia; lớp may công nghiệp tại xã Canh Vinh, có 33 học viên…
Theo ông Phạm Công Tiến, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Vân Canh, nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách nói trên, cộng với sự nỗ lực vươn lên của bà con, mức sống của bà con từng bước được nâng lên; tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; thu hẹp dần khoảng cách nghèo - giàu giữa các vùng và các dân tộc. Trước đây, hầu hết các hộ đồng bào DTTS đều nằm trong diện hộ nghèo, nay giảm còn trên 42%.
Cùng với việc xây dựng hạ tầng thiết yếu, huyện chú trọng chăm lo đời sống đồng bào, từ việc hỗ trợ kinh phí để xây nhà đến việc tạo việc làm, để đồng bào quen dần cuộc sống định canh, định cư, phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống. Bà con đã biết sử dụng giống mới, quen dần với kỹ thuật canh tác tiến bộ, biết giao dịch mua bán, tính toán lời lỗ trong sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên đáng kể.
Ông Sô Lan Tài, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Canh, chia sẻ: Thời gian qua nhiều chương trình, dự án của Nhà nước được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Huyện cũng đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào công tác giảm nghèo, như nhận đỡ đầu các xã đặc biệt khó khăn, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, phong trào xóa nhà tạm.
Cũng theo ông Sô Lan Tài: Tuy đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng đồng bào DTTS của huyện Vân Canh vẫn còn nhiều khó khăn, các biện pháp giảm nghèo chưa tập trung và ít hiệu quả. Nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo vì sống trong những vùng không thuận lợi về điều kiện tự nhiên, thiếu việc làm, thu nhập thấp. Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào DTTS ý thức hơn trong phát triển kinh tế hộ, đồng thời huy động mọi nguồn lực thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào DTTS.
LÊ PHƯƠNG