Dạy Văn là dạy làm người
Không chỉ trách nhiệm với từng bài giảng, thầy giáo Võ Công Trí, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được các thế hệ học trò kính mến, vì luôn tìm hiểu, chia sẻ với học sinh những băn khoăn, trăn trở trong cuộc sống. Thầy quan niệm: Dạy Văn là dạy làm người, người thầy phải dạy cho học trò những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống, để các em vững bước trên đường đời.
Thầy Võ Công Trí sinh năm 1960 ở thị xã An Nhơn, học Đại học sư phạm Quy Nhơn, sau đó học thạc sĩ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội &Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Khi tốt nghiệp đại học, thầy về dạy tại Trường THPT Tây Sơn (huyện Tây Sơn), năm 1989 chuyển về dạy Trường chuyên học sinh giỏi Bình Định và năm 2001 dạy Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Với những nỗ lực, tận tâm với nghề, thầy Trí không chỉ là giáo viên giỏi cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, mà còn được đồng nghiệp và các thế hệ học trò quý mến, tôn trọng.
“May mắn trong đời được học thầy”
Nhiều học trò cũ của thầy Trí đã tâm sự vậy. Tốt nghiệp THPT đã 18 năm, nhưng TS Thái Văn Vinh, giảng viên Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) vẫn giữ nguyên tình cảm với người thầy cũ Võ Công Trí. “Thầy Trí là người sống rất tình cảm với học trò. Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy dùng xe máy của mình chở tôi và một bạn cùng lớp đến tận cổng địa điểm thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn. Thầy rất tinh trong việc nhận biết thế mạnh học lực, cũng như hoàn cảnh gia đình của từng học sinh. Chính thầy nhận biết từ rất sớm rằng tôi có thế mạnh về thể loại văn nghị luận, và cũng chính thầy là người đã tư vấn và khuyến khích tôi thi vào cả ngành văn và ngành hàng hải”, TS Vinh trải lòng.
Còn nhiều học sinh của thầy Trí nay đang là nhà báo, như Trần Thị Duyên, hay tân thủ khoa Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân Hà Thị Mỹ Hạnh… đều cho rằng, một trong những may mắn trong đời là được học thầy Trí, bởi thầy như người cha thứ hai, là nguồn “sức mạnh tinh thần” giúp họ vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Tân thủ khoa Mỹ Hạnh kể: “Mồ côi cha từ nhỏ nên tôi sống rất tự ti, thường buông xuôi mình trước khó khăn. Chính thầy Trí đã hun đúc trong tôi nghị lực sống, giúp tôi trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh”.
Khi tiếp nhận một lớp học mới, điều thầy Trí quan tâm nhất là năng lực học tập và hoàn cảnh gia đình của học sinh, bởi theo thầy, hoàn cảnh sống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của học trò. Học sinh khó khăn, theo thầy, không chỉ do nhà nghèo, mà còn là những em sống thiếu tình yêu thương của cha, mẹ, hoặc rơi vào hoàn cảnh éo le trở nên mất niềm tin vào cuộc sống.
“Những học sinh như thế luôn cảm giác thua thiệt, mặc cảm trước bạn bè. Trong những bài giảng trên lớp, tôi liên hệ đến những gương học sinh vượt khó học giỏi để gián tiếp gởi gắm sự động viên, khích lệ của mình. Đồng thời chủ động gần gũi những em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tin mình có đủ ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống”, thầy Trí tâm sự.
Khuyến khích học trò mạnh dạn phát biểu
Hơn 30 năm dạy Văn, thầy Trí nghiệm ra: Hầu hết học sinh đều tốt. Nếu có em chưa ngoan, người thầy cần xem lại mình đã tận tâm, tận tình với trò chưa, đã cư xử công bằng với trò chưa. Là thầy giáo thì phải tin vào học trò.
Chừng ấy năm đi dạy, điều thầy Võ Công Trí cố tránh nhất là không nên định kiến với bất kỳ học trò nào, ngay cả những em hay nói ngược ý của mình. Trái lại, thầy luôn khuyến khích học sinh phát biểu ý kiến của mình, và những em có ý kiến phản biện tốt luôn tạo ấn tượng với thầy. Theo thầy, với nhiều vấn đề, đôi khi chân lý không thuộc về riêng ai. Nhìn một sự vật, hiện tượng ở nhiều góc độ, theo nhiều cách tiếp cận sẽ giúp học sinh tăng thêm hiểu biết chứ không loại trừ lẫn nhau. Trên lớp, thầy hướng dẫn học sinh tiếp cận tác phẩm văn học trong sự vận động, khách quan, phải gắn hoàn cảnh lịch sử ra đời với điều kiện hiện tại để phân tích, bình luận tác phẩm.
Thầy Trí luôn tránh truyền thụ cho học trò những điều không còn phù hợp với thực tế, dù rằng những điều đó có trong sách hướng dẫn. “Cuộc sống luôn vận động nên điều đó có thể đúng với thời điểm này nhưng không còn phù hợp trong thời điểm khác. Nói ra những điều không phù hợp với thực tế, học sinh sẽ khó tiếp thu, tôi cũng không chủ trương cách dạy buộc học sinh phải chấp nhận”, thầy bộc bạch.
Năng lực của học sinh không chỉ thể hiện qua điểm số, mà thầy cho rằng quan trọng hơn là năng lực tư duy và khả năng cảm thụ văn chương. Để học sinh được nói lên ý kiến của mình, được giáo viên ủng hộ các em sẽ tự tin. Nếu thấy suy nghĩ của các em không đúng, thầy sẽ tranh luận, giảng giải để thuyết phục các em.
Dạy Văn là dạy người
Thầy Trí có suy nghĩ: Văn là người, dạy văn là dạy người, nghĩa là cần dạy học sinh hướng đến những phẩm chất tốt đẹp, chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Trong mỗi giờ lên lớp, thầy không chỉ dạy học sinh cách đọc văn thơ, hiểu văn mà còn hướng dẫn các em thể hiện văn bản, rèn kỹ năng diễn đạt mạch lạc ở cả văn nói và văn viết. Thầy không đóng khung trong văn hình tượng mà chú ý đúng mức văn nghị luận, văn nhật dụng. Trong mỗi tiết học, thầy luôn cập nhật những vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Những hiện tượng đời sống luôn cần suy ngẫm, chẳng hạn chuyện “hôi bia” trên đường phố Biên Hòa vào tháng 12.2013, hiện tượng cổ động viên lao xuống sân giật lấy vợt, túi xách của vận động viên nước ngoài tại giải cầu lông Ciputra Hà Nội mở rộng vào tháng 3.2014…, được thầy đưa vào bài giảng kịp thời. “Những vấn đề nóng của xã hội luôn được tôi và các em mổ xẻ trong các tiết học, phân tích động cơ, các em bày tỏ thái độ và rút ra bài học cho mình” - thầy Trí nói.
Với bao tâm huyết và công sức dành cho các thế hệ học trò, hơn 20 năm gắn bó với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy đã giúp nhiều học sinh bước lên bục vinh quang tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi Văn cấp quốc gia như Thái Văn Vinh (giải Nhì năm 1991), Trương Thị Mai Hạnh (giải Nhì năm 1992), Nguyễn Đỗ Thùy Dương (giải Ba năm 2010), Võ Quốc Bảo (giải Ba năm 2013)… Không chỉ vậy, bao thế hệ học trò của thầy gặt hái nhiều thành công trên con đường học vấn và trong cuộc sống, đều nhìn nhận nhờ những ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường dưới sự dạy dỗ, chỉ bảo của thầy.
Nhìn lại nghiệp giáo hơn 30 năm, thầy Trí hài lòng bởi đã chọn đúng nghề, đúng nghiệp. Thầy tâm đắc: Với nghề dạy học, hạnh phúc người thầy không phải là được thăng tiến chức vụ này nọ, mà niềm vui chính là luôn được tiếp xúc, bận bịu, trăn trở với những cô, cậu học trò hồn nhiên. Với người thầy, không cho phép “đứng yên” trong cuộc sống. Mỗi ngày mới của thầy Trí là luôn bận bịu với bao mối quan tâm về các học trò đang gặp khó khăn, về chủ trương thay đổi chương trình, sách giáo khoa, diễn biến tình hình kinh tế - chính trị - xã hội.
Đào tạo một học sinh giỏi Văn là điều không dễ bởi văn chương không chỉ là chuyện sách vở mà còn là chuyện cuộc đời, hơn nữa hiện nay học sinh và cả phụ huynh bị chi phối về việc lựa chọn nghề nghiệp. Người thầy phải rất tâm huyết với nghề. Thầy Trí đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi - đó là thành công lớn của thầy. Có chuyên môn tốt nên thầy Trí thường xuyên được Bộ GD&ĐT mời tham gia một số công việc. Thầy có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá cao.
Ông Đỗ Em, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
Tôi có hai đứa con đã và đang học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Tôi đã tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo nhưng quả thật thầy Trí đã để lại trong tôi ấn tượng đẹp. Thầy không chỉ dạy chữ mà rất quan tâm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Thầy có khả năng nắm bắt sức học, sở trường, sở đoản và quan trọng hơn là khơi dậy được những thế mạnh của từng học sinh.
Ông Trần Nhật Quân, phụ huynh học sinh
Cảm ơn thầy, người đã biến ba năm cấp 3 dài đằng đẵng của chúng con trở nên ngắn hơn, ý nghĩa hơn và tạo không gian để tụi con thỏa sức vẫy vùng trong đam mê của chính mình. Cho đến khi xa trường, con mới nhận ra, thầy đã để lại trong con thật nhiều dấu ấn. Thầy là một người tinh tế. Thầy dễ dàng nhận ra sự thay đổi dù nhỏ nhất trong từng học sinh. Thầy là người đọc sách báo nhiều nên tri thức của thầy rất rộng, không gò bó vào những khuôn khổ chật hẹp. Thầy muốn tụi con phải sáng tạo, phải có phong cách riêng, phải sống là chính mình.
Trần Võ Mạnh Khương, nguyên học sinh chuyên Văn năm học 2013-2014
NGỌC TÚ
Cảm ơn thầy, cảm ơn tất cả những bài học thầy đã dành cho chúng con, đọc được bài báo mà hoài niệm về thầy nhiều hơn, nhớ thầy, kính trọng, biết ơn thầy. Cảm ơn cuộc sống đã đẩy đưa chúng con gặp thầy, có lẽ thầy đã mang lại cho chúng con sức ảnh hưởng lớn tới tận bây giờ và mãi mãi.... Cảm ơn thầy, mong thầy luôn khỏe mạnh, hạnh phúc.
Được học thầy, con mới hiểu hết sự cao quý của nghề giáo. Thầy đã dạy cho con rất nhiều điều bổ ích mà không có trong sách vở. Thầy mãi luôn là thần tượng số một trong mắt con. Dù đã ra trường rồi, cho con được gửi lời cảm ơn từ tận đáy lòng đến thầy.