Nâng “chất” vườn thuốc nam
Kết quả điều tra, khảo sát thực trạng y tế xã trong tỉnh theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 được thực hiện năm 2012 cho thấy, 35 trạm y tế (TYT) không có vườn thuốc nam hoặc vườn thuốc không đủ số loại cây thuốc theo quy định, chiếm đến 22% tổng số trạm.
Không đồng đều
Nhiều năm qua, Phù Cát là điểm sáng về y học cổ truyền của tỉnh. Mạng lưới khám chữa bệnh y, dược học cổ truyền phát triển đồng bộ, vững chắc từ huyện đến xã. Theo bác sĩ Võ Ngọc Phải, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Phù Cát, 18/18 TYT ở huyện đều có vườn thuốc nam. Mỗi vườn có diện tích 100-150m2, trồng 50-60 loại cây thuốc với đủ 9 nhóm thuốc được Bộ Y tế quy định dùng để chữa các bệnh thông thường.
Vườn thuốc nam ở TYT xã Cát Chánh là một trong những vườn kiểu mẫu ở Phù Cát. Dù ở vùng trũng, nhưng vườn thuốc nam rộng 180m2 này vẫn đảm bảo đầy đủ 60 loại thuốc theo quy định. “Các cây chịu nước như ổi, cau, đại tướng quân… thì trồng thẳng dưới đất. Các loại chống nước như sứ, húng chanh, húng quế… chúng tôi phải trồng vào chậu, mùa mưa thì đặt trên các ụ gạch để giữ cây”, y sĩ Nguyễn Hữu Khương, Phó trưởng TYT xã Cát Chánh, cho biết.
Tuy nhiên, việc xây dựng và duy trì một vườn thuốc nam kiểu mẫu vẫn chưa thể thực hiện được tại không ít TYT, nhất là ở các huyện miền núi. Tại TYT xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, vườn thuốc nam nằm một góc khiêm tốn bên trái trạm. Nói là vườn thuốc nam, nhưng chỉ có 3-4 loại cây thuốc, nhiều cây xơ xác, khô héo. Y sĩ Đinh Văn Long, Trưởng TYT xã Canh Hòa, nói: “TYT mới đi vào hoạt động từ năm 2011, khi ấy chúng tôi đã đào giếng nhưng không có nước. Anh em trong trạm phải đi xách nước để sử dụng. Thiếu nước trầm trọng, cây thuốc cứ chết dần”. Không chỉ Canh Hòa, vườn thuốc nam tại TYT Canh Liên cũng trong tình trạng tương tự.
Tìm hướng phát triển
Vườn thuốc nam tại TYT chủ yếu phục vụ cho công tác tuyên truyền cho người dân cách sử dụng đúng các loại thuốc nam để bảo vệ sức khỏe. Ý thức được điều đó, nhiều địa phương đã có sự quan tâm đầu tư cho vườn thuốc nam. Hằng tháng, Trung tâm Y tế huyện Phù Cát hỗ trợ mỗi TYT 600 ngàn đồng chi phí chăm sóc vườn thuốc nam. Còn Trung tâm Y tế Vân Canh cũng hỗ trợ 1 triệu đồng/trạm/năm để mua phân bón. Tuy nhiên, có rất ít địa phương bố trí được nguồn kinh phí này.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, đối với TYT phường, thị trấn khuyến khích phát triển vườn thuốc nam, nếu không đủ điều kiện có thể sử dụng chậu mẫu thuốc nam, bộ tranh ảnh để giới thiệu về thuốc nam. Đối với các TYT xã, phải có vườn mẫu thuốc nam theo quy định. Những TYT xã có khó khăn, không xây dựng, duy trì được vườn thuốc nam phải được Sở Y tế chấp thuận bằng văn bản theo đề nghị của Trung tâm Y tế và có thể sử dụng chậu mẫu thuốc nam, bộ tranh ảnh, hoặc các phương tiện khác để giới thiệu về thuốc nam.
Theo bác sĩ Hà Anh Thạch - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế - trước đây, Sở Y tế có hỗ trợ kinh phí ban đầu để TYT các xã xây dựng vườn thuốc nam, nhưng UBND các xã, phường, thị trấn phải đầu tư thêm. Đặc biệt tại các vùng thường xuyên thiếu nước hay ngập lụt, việc duy trì vườn thuốc nam rất khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí hỗ trợ ổn định.
Trong khi đó, bác sĩ Đỗ Trí Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cho biết nhiều loại cây thuốc khó phát triển vì không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. “Trong lúc còn nhiều khó khăn như thiếu kinh phí đầu tư chăm sóc, điều kiện thời tiết… thì cán bộ phụ trách y học cổ truyền ở các trung tâm y tế và cán bộ, nhân viên mỗi TYT phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, dành nhiều thời gian, tâm huyết chăm sóc các vườn thuốc nam”, bác sĩ Đức chia sẻ.
Đối với các vườn thuốc nam đã duy trì ổn định, vấn đề đặt ra là phát huy hiệu quả trong thực tế. Cách làm của TYT xã Cát Chánh rất đáng để nhiều địa phương học tập. Xã Cát Chánh có 5 thôn, mỗi thôn có 3 ô thuốc nam gia đình. Mô hình đưa vườn thuốc nam vào vườn nhà này đang phát huy hiệu quả thiết thực trong việc chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là các bệnh mạn tính.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh Nguyễn Văn Ngọ, để vườn thuốc nam chứng tỏ được vai trò của mình, ngoài tuyên truyền cho cộng đồng, các cơ sở y tế, nhất là TYT phải cố gắng sử dụng thuốc nam để chữa hiệu quả nhiều loại bệnh. Có vậy, người dân mới tin tưởng và sử dụng thuốc nam ngày càng nhiều hơn. “Chúng tôi sẽ củng cố đội ngũ y bác sĩ làm công tác y học cổ truyền, để đẩy mạnh hiệu quả khám chữa bệnh y học cổ truyền, làm động lực để cây thuốc nam đi vào đời sống”, bác sĩ Ngọ khẳng định.
NGUYỄN VĂN TRANG