Phòng ngừa các bệnh lây nhiễm từ chuột
Với bản năng gặm nhấm liên tục và tốc độ sinh sản nhanh chóng, ước tính sau mỗi năm, một cặp chuột có thể tạo ra một quần thể 1.000-3.000 con. Chuột được xem là động vật gây hại hàng đầu đối với đời sống và sinh hoạt của con người, là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chuột có thể truyền cho con người đến 35 căn bệnh khác nhau, trong đó có một số bệnh phổ biến ở Việt Nam, tiêu biểu là bệnh dịch hạch. Dịch hạch lây truyền qua người từ trung gian bọ chét. Bọ chét ký sinh trên cơ thể chuột, hút máu chuột có mang mầm bệnh, khi nhảy từ chuột sang sống ký sinh trên người sẽ gây bệnh. Bệnh dịch hạch hiện nay đã được kiểm soát ở nước ta.
Bệnh vàng da xuất huyết (Leptospirose) do xoắn khuẩn Leptospira gây ra, truyền bệnh qua người do hít phải chất tiết hoặc tiếp xúc với chất thải của chuột mang mầm bệnh. Sốt chuột cắn: khi bị chuột cắn, con người có nguy cơ đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm khác nhau như bệnh dại và các dạng sốt chuột cắn. Sốt chuột cắn là bệnh do các vi khuẩn sống trong khoang hô hấp trên của chuột gây ra. Bệnh do vi khuẩn Salmonella: người bị bệnh do tiếp xúc trực tiếp với chất thải của chuột mà không rửa tay. Có khi người bị nhiễm do ăn phải những đồ ăn thức uống bị chuột làm ô nhiễm.
Bệnh do Hantavirus: gần đây Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và điều trị khỏi một trường hợp bị nhiễm Hantavirus. Chuột nhiễm vi-rút Hanta thải vi-rút qua phân, nước tiểu cũng như các chất tiết và lây nhiễm cho người qua vết cắn, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các giọt dịch trong không khí. Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết do vi-rút Hanta thường xuất hiện sau khi nhiễm 1-2 tuần, khởi phát với các triệu chứng sốt, ớn lạnh, xuất huyết. Giai đoạn cuối của bệnh có xuất hiện triệu chứng suy thận.
Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng các bệnh do chuột gây ra. Vì vậy, để phòng ngừa lây nhiễm các bệnh trên, cần thiết phải kiểm soát sự phát triển của chuột, hạn chế tiếp xúc với chuột và chất thải của chuột, đồng thời chăm sóc y tế đúng cách sau khi bị vết thương do chuột gây ra. Cần giữ vệ sinh nhà cửa, hạn chế nơi ẩn náu của chuột và xử lý vệ sinh tại những nơi có chuột. Bảo quản thức ăn kín, không để rơi vãi sẽ hạn chế chuột xâm nhập. Khi bị chuột cào, cắn, cần rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng, sau đó sát trùng bằng cồn và đưa người bị thương đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
BS. NGUYỄN THỊ THU OANH (BVĐK tỉnh)