Tăng cường ngăn chặn sốt rét kháng thuốc
Bình Định nằm trong số 14 tỉnh được triển khai Dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin (Dự án RAI). Trong khuôn khổ của Dự án, ngành Y tế tỉnh tổ chức nhiều hoạt động để ngăn chặn hiệu quả mối nguy sốt rét kháng thuốc.
Sáng 15.11, các trưởng trạm y tế của huyện An Lão xuất phát từ sớm, để kịp giờ khai mạc lớp tập huấn về phòng, chống sốt rét và ngăn chặn sốt rét kháng thuốc do Ban Quản lý Dự án RAI tổ chức ở TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, cơn mưa lớn đêm hôm trước khiến tỉnh lộ 629 đoạn qua xã Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân) ngập nặng. Mất gần nửa tiếng chờ nước rút, ô tô mới chạy tiếp được.
Lớp tập huấn về phòng, chống sốt rét và ngăn chặn sốt rét kháng thuốc cho cán bộ y tế tuyến xã được tổ chức ngày 15.11.
Mở đầu lớp tập huấn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh bác sĩ Hoàng Xuân Thuận giới thiệu về Dự án RAI tại Việt Nam, sau đó là các kiến thức về điều trị quan sát trực tiếp và theo dõi ký sinh trùng sau 3 ngày và 7 ngày điều trị; hướng dẫn điều tra ca bệnh và điều tra ổ dịch. Bác sĩ Thuận đặc biệt lưu ý đến hoạt động điều trị quan sát trực tiếp. Theo đó, nhân viên y tế giám sát người bệnh uống thuốc sốt rét (nói cách khác là người bệnh uống thuốc trước mặt nhân viên y tế) để đảm bảo người bệnh uống đủ và đúng liều thuốc điều trị theo đúng chỉ định của thầy thuốc, đúng phác đồ điều trị quy định của Bộ Y tế trong thời gian điều trị.
“Nếu người bệnh bị nôn trong vòng 30 phút sau khi uống thì phải cho uống lại một liều như trước khi nôn. Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục nôn thì thay bằng thuốc điều trị thay thế và giám sát điều trị theo quy định”, bác sĩ Thuận nhấn mạnh.
Với Trưởng trạm Y tế xã An Hòa (huyện An Lão) Nguyễn Thị Mai, vấn đề quan trọng hơn cả là điều tra ca bệnh và điều tra ổ dịch. Bởi An Hòa là địa bàn phức tạp về tình hình sốt rét, đặc biệt là sốt rét ngoại lai. Từ đầu năm đến nay, An Hòa có 4 ca sốt rét, chỉ riêng tháng 10 đã có 2 ca. Đáng chú ý, cả 4 ca đều là sốt rét ngoại lai. Theo y sĩ Mai, bình quân mỗi tháng An Hòa có khoảng 70 người lao động đi làm việc ở các địa phương khác. Thời điểm này đến Tết nguyên đán là “chính vụ”, nhiều người rủ nhau lên Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng… làm việc ở các vườn cà phê, mì.
“Công tác tuyên truyền vẫn thực hiện thường xuyên, nhưng vẫn có rất ít người đến trạm nhận thuốc và được hướng dẫn tự điều trị trước khi đi làm. Lượng dân di chuyển biến động lớn, trong khi cả trạm chỉ có 7 người; phải điều tra, giám sát như thế nào để ngăn chặn hiệu quả sốt rét kháng thuốc là sự quan tâm lớn của chúng tôi”, bà Mai tâm sự.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh phát hiện 206 ca sốt rét. Trong số 198 ca có ký sinh trùng sốt rét, có đến 86 ca mang ký sinh trùng ngoại lai. Các địa phương có số ca sốt rét ngoại lai cao là Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn.
Bên cạnh hoạt động tập huấn, Trung tâm Phòng, chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh cũng tiến hành giám sát việc mua bán thuốc Artemisinin. Cán bộ y tế đến từng nhà thuốc, kiểm tra xem có bán thuốc Artemisinin đơn trị liệu hay không, từ đó ngăn chặn hoàn toàn việc lưu hành loại thuốc này. Trung tâm cũng phối hợp với y tế cơ sở chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cấp phát màn đôi tẩm hóa chất và võng có phủ màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu dài ngay khi màn và võng được cấp trên phân bổ.
Trong khi đó, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn cũng tích cực vào cuộc. Theo bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Viện phó Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Viện đã mở lớp tập huấn về ngăn chặn sốt rét kháng thuốc và tình hình sốt rét kháng thuốc tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên; khảo sát trên thị trường của 5 tỉnh (Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) về tình hình bán thuốc Artemisinin đơn trị liệu; điều tra các chỉ số sốt rét. Sắp tới, Viện sẽ thực hiện đánh giá về quản lý ca bệnh và giám sát ca bệnh.
NGUYỄN VĂN TRANG
Dự án RAI được thực hiện tại 5 nước của khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) trong giai đoạn 2014-2016 với tổng kinh phí 100 triệu USD, do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ. Tại Việt Nam, Dự án được triển khai tại 4 tỉnh có bằng chứng về điều trị sốt rét thất bại sớm hoặc muộn (Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai, Quảng Nam) và 10 tỉnh tiếp giáp (Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh).