Chiếu cói Bình Định
Dệt chiếu cói là nghề truyền thống ở nhiều địa phương trong tỉnh, như Hoài Châu Bắc, Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn), Cát Chánh (huyện Phù Cát), Phước Thắng (huyện Tuy Phước)…
Làng nghề dệt chiếu cói ở hai thôn Lạc Điền và An Lợi (xã Phước Thắng) được UBND tỉnh công nhận làng nghề vào năm 2007. Bà Nguyễn Thị Kim Hương, ở thôn Lạc Điền, có thâm niên trong nghề dệt chiếu, cho biết: Giá bán chiếu đại trà là 150 ngàn đồng/đôi loại 1,4m; 100 ngàn đồng/đôi loại 1,2m; 80.000 đồng/đôi loại 1m. Với hàng đặt được chọn nguyên liệu tốt, dệt kỹ thì giá lên đến gấp đôi. Để có được chiếc chiếu bền, đẹp, phải tỉ mỉ từ lúc chọn cói đến khi phơi cói và dệt...
Sản phẩm chiếu cói Bình Định có hai loại: chiếu trơn và chiếu hoa. Chiếu trơn tương đối đơn giản, bởi được dệt từ cói trắng không nhuộm màu. Dệt chiếu hoa công phu hơn nhiều. Không như một số vùng, chiếu hoa Bình Định không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền mà phải chọn sợi cói về nhuộm phẩm màu. Phẩm nấu lên và nhúng sợi cói vào, nhúng từng nạm một và đem phơi khô, sau đó mới đem dệt thành chiếu hoa.
Từ chỗ dệt chiếu thủ công, vài năm nay xã Hoài Châu Bắc nổi tiếng với các sản phẩm chiếu dệt bằng máy. Làng nghề có gần 800 hộ tham gia làm cói, dệt chiếu. So với dệt chiếu thủ công, năng suất dệt máy tăng gấp 3,5 lần. Một lao động dệt máy bình quân 8 chiếc/ngày/máy. Giá chiếu sản xuất bằng máy cao hơn chiếu thủ công 28-32% tùy loại, mẫu mã đa dạng, bắt mắt hơn.
Năm 2014, sản phẩm chiếu cói ở thôn Chương Hòa (xã Hoài Châu Bắc); Công Thạnh (xã Tam Quan Nam); An Lợi và Lạc Điền (xã Phước Thắng) đã được đăng ký địa danh gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN). Đây là hoạt động quan trọng để chiếu cói Bình Định khẳng định chất lượng và có điều kiện đi xa hơn.
MAI HOÀNG