Xăng dầu hạ nhiệt, cước vận tải không giảm
Từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh nhiều lần theo hướng giảm giá, lần giảm giá gần đây nhất đã giảm gần 1.000 đồng/lít; Bộ Tài chính cũng đã có văn bản số 16176/BTC-QLG ngày 6.11.2014 yêu cầu các địa phương và ngành chức năng rà soát giá cước vận tải phù hợp với biến động chi phí nhiên liệu, tuy nhiên, giá cước vận tải hiện vẫn “đứng im”.
Rất ít DN giảm giá cước
Lâu nay, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải được chủ động xây dựng cước vận tải phù hợp trên cơ sở khung giá quy định của Nhà nước và báo cáo cho Sở Tài chính, Cục Thuế và Sở GT-VT. Khi giá xăng dầu tăng thì cước vận tải cũng tăng theo. Tuy nhiên, sau nhiều đợt giá xăng dầu giảm mạnh từ đầu năm đến nay, cước vận tải của các DN vẫn trong tình trạng “án binh bất động”.
Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Bình Định, cho biết, tại Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn hiện có 15 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trong tỉnh và 36 đơn vị ngoài tỉnh tham gia hoạt động các tuyến. Trong số các DN vận tải này chỉ có 4 đơn vị không ủy thác bán vé cho Công ty. Đến nay, công ty chưa nhận được văn bản nào của các đơn vị vận tải về việc điều chỉnh hạ cước vận tải; ngay cả các đơn vị thuê quầy vé của bến xe cũng chưa có động tĩnh gì.
Trong khi đó, ông Đặng Cao Thanh, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT), cũng khẳng định chưa có động thái nào của các DN về việc giảm cước vận tải, dù Sở đang quản lý và cấp phép hoạt động cho hơn 60 đơn vị vận tải hành khách và hàng hóa trong tỉnh.
Khảo sát ở một số DN vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Bình Định hầu như đều nhận được câu trả lời là không giảm giá cước. Lý do các đơn vị này đưa ra là trước đây giá xăng dầu tăng, DN có điều chỉnh cước vận tải tăng nhưng mức tăng ít, hoặc không tăng, hầu hết đều phải tự tiết kiệm các khâu khác để bù lại. Thời gian gần đây, giá xăng dầu giảm liên tiếp cũng chưa đủ để DN giảm cước.
Theo ông Võ Xuân Tỷ, Giám đốc Công ty TNHH A Tỷ: Với những hãng xe khách không chịu đựng được những lần tăng giá xăng thời gian trước, nên phải tăng giá cước, thì khả năng sẽ phải xem xét giảm cước tại thời điểm này. Công ty của tôi có 8 đầu xe chạy tuyến Quy Nhơn - Nha Trang và ngược lại, lượng khách ít có sự biến động, nên từ năm 2008 đến nay chúng tôi vẫn giữ nguyên cước 80.000 đồng/hành khách. Mức giá này thấp hơn so với các hãng khác, nên đợt giảm giá xăng dầu này chúng tôi không giảm cước.
Theo khảo sát của phóng viên, từ 14.11, Công ty TNHH MTV Mai Linh Bình Định bắt đầu thực hiện giảm cước cho hai dòng taxi 7 chỗ và taxi giá rẻ. Bà Phan Thị Như Ý, phụ trách Phòng Kinh doanh của Công ty Mai Linh, khẳng định: “Đây là đợt giảm cước thứ hai của Mai Linh được thực hiện trong năm nay, mức giảm chung cho cả hai dòng xe từ 500 đồng đến hơn 1.000 đồng/km. Ngày 1.10 vừa rồi, Mai Linh cũng đã thực hiện mức giảm tương tự cho cả hai dòng xe”. Trong khi đó, theo thông tin chính thức từ Sở Tài chính, đến tháng 10 vừa rồi, mới chỉ có 2 đơn vị vận tải hàng hóa đăng ký giảm cước bình quân 15% là: DN tư nhân vận tải Khánh Thịnh và Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Ánh Phúc.
Phải giảm giá cước
“Sở Tài chính đã báo cáo UBND tỉnh về nội dung liên quan đến thực hiện cước vận tải ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo Thông tư liên tịch 152 Bộ Tài chính - Bộ GTVT chính thức có hiệu lực từ 1.12.2014. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GTVT hướng dẫn và tiếp nhận kê khai cước đối với các DN kinh doanh vận tải; rà soát việc kê khai giá của các đơn vị này, để có sự điều chỉnh phù hợp. Đồng thời tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh công tác quản lý cước vận tải trên địa bàn tỉnh”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Sở Tài chính
Phân tích thêm một số mặt có liên quan đến giá cước vận tải, một chủ DN vận tải khách cho biết, trước đây, mỗi lần điều chỉnh, giá xăng dầu giảm rất nhỏ giọt, chỉ 300-500 đồng/lít nên chưa tác động nhiều. Trong khi một chuyến xe lăn trên đường thì có công lái - phụ xe, hao mòn xăm lốp, khấu hao xe, thuế, phí đường bộ, bến bãi... và những phí “phát sinh” đều phải hạch toán. Nếu chỉ mỗi giá nhiên liệu giảm mà các khoản trên vẫn đứng im thì DN chưa thể giảm cước vận tải.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng: “Thực tế trong những năm qua, giá xăng dầu tăng đến đâu, cước vận tải tăng theo đến đó. Nhưng nghịch lý là, khi giá xăng dầu giảm, hiếm khi nào các đơn vị vận tải có động thái giảm theo. Những lý do mà các đơn vị vận tải đưa ra chỉ là biện dẫn để không giảm cước theo xu hướng giảm giá xăng. Đã theo cơ chế thị trường, có tăng thì có giảm, đó là điều hiển nhiên. Chưa kể, cước vận tải chi phối rất lớn đến giá các mặt hàng khác”.
Đứng ở khía cạnh của đơn vị kinh doanh vận tải, một số đơn vị cũng hiện đang “nhìn nhau” về việc giảm cước. Ông Nguyễn Văn Lân, Chủ nhiệm HTX Vận tải cơ giới đường bộ 1.4 Quy Nhơn, phân tích: Chủ trương của Bộ Tài chính yêu cầu DN giảm giá cước vận tải là hoàn toàn phù hợp với quy luật thị trường, giá có tăng có giảm. Nhưng với ngành nghề vận tải, còn nhiều vấn đề phải tính đến mỗi khi có sự điều chỉnh giá. HTX hiện có 23 xe vận tải khách, 34 phương tiện vận tải hàng hóa và 29 xe chạy hợp đồng. Việc điều chỉnh cước vận tải phải tiến hành, nhưng làm như thế nào, mức giảm đến đâu cần phải tính toán kỹ.
THU HIỀN