Phỏng vấn ông Trần Văn Ơi, Phó Chánh Thanh tra Sở GT-VT:
Sẽ triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn xe quá khổ, quá tải
Ông Trần Văn Ơi
Thời gian qua, tình trạng xe chở hàng quá khổ, quá tả diễn ra khá phổ biến, gây mất an toàn giao thông, làm hư hỏng cầu, đường. Các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung ra quân kiểm tra, xử lý quyết liệt xe chở hàng quá khổ, quá tải trọng; tuy nhiên, công tác này hiện gặp nhiều khó khăn, trở ngại. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Văn Ơi - Phó Chánh Thanh tra Sở GT-VT về vấn đề này.
* Nhiều người cho rằng, xe chở quá tải, quá khổ đi qua địa phận tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Sau khi Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (còn gọi Trạm cân lưu động) được đưa vào sử dụng, tình hình xe chở hàng quá tải trọng trên QL 1A đã giảm đáng kể; song hiện nay, các xe chở hàng quá tải thường chuyển sang tuyến QL 19. Một số chủ hàng bao che cho xe quá tải hoạt động. Thực tế là việc bốc xếp hàng hóa lên xe tại các cảng, kho hàng thường đảm bảo về tải trọng, nhưng khi cho xe lưu thông ra khỏi khu vực, chủ phương tiện lại tập kết hàng hóa ra các kho chứa bên ngoài để dồn hàng. Trong khi đó, việc xử lý hiện tượng này gặp nhiều khó khăn, việc phối hợp giữa lực lượng Thanh tra giao thông với CSGT chưa đồng bộ, có phần đùn đẩy nhau trong quá trình xử lý.
* Thanh tra Sở có biện pháp nào để ngăn chặn và giảm nhanh tình trạng xe chở quá khổ, quá tải?
- Cơ quan chức năng cần phối hợp với Ban Quản lý các cảng biển vận tải, các chủ kho hàng, mỏ khai thác ... thực hiện tốt công tác siết chặt từ khâu xếp hàng hóa (đầu ra) và kiểm soát tải trọng đầu vào. Chúng tôi đã từng nghĩ đến phương án này, song thời gian qua, các đơn vị liên quan của cảng, kho hàng hoặc các mỏ vật liệu xây dựng không mấy mặn mà thực hiện đề nghị này.
Mới đây, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai ký cam kết không xếp hàng hóa lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép. Tại Hội nghị, trên 60 đại biểu là đại diện cho các doanh nghiệp, các mỏ vật liệu, các đầu mối hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh đều đồng tình với chủ trương này của Chính phủ. Theo đó, sẽ không bốc dỡ hàng hóa khỏi xe khi phát hiện xe chở quá tải và phải thông báo cho cơ quan chức năng đến xử lý; không tiếp nhận bốc xếp hàng hóa và ký hợp đồng vận chuyển đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị xử lý theo thông báo của lực lượng chức năng. Nếu thực hiện đồng bộ việc siết chặt phương tiện vận chuyển hàng hóa theo 2 chiều ra - vào của các cảng, kho hàng… thì việc ngăn chặn phương tiện chở quá tải là không khó.
* Tình trạng xe né tránh trạm cân cố định, kể cả các điểm cân lưu động được Thanh tra Sở khắc phục như thế nào?
Từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng liên ngành của tỉnh đã phát hiện và lập biên bản xử lý 3.820 trường hợp xe quá tải trọng; tước GPLX 1.773 trường hợp; hạ tải 350 tấn hàng hóa; phạt tiền hơn 7,3 tỉ đồng.
- Việc đặt Trạm cân lưu động tại km 30 - Trạm thu phí Nhơn Tân (cũ) trên tuyến QL 19 như hiện nay, nhiều tài xế cho xe đi đường vòng qua QL 19B để né trạm, Thanh tra Sở GT-VT đã nắm bắt được và đã chủ động phối hợp với Đội CSGT Công an huyện Tây Sơn phân công lực lượng tổ chức chốt chặn tại đầu cầu Kiên Mỹ (mới); đồng thời, thường xuyên tuần tra, mật phục trên tuyến QL 19B, nhất là về đêm và đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Hạn chế của Trạm cân lưu động là khi gặp trời mưa, sấm chớp, các thiết bị thường gặp sự cố hoặc không hoạt động. Lợi dụng điều này, nhiều chủ phương tiện đã tăng tần suất hoạt động vận chuyển hàng hóa quá tải. Đơn vị sẽ sử dụng cân xách tay để cân tải trọng; duy trì hoạt động của trạm cân lưu động 24/24 giờ hằng ngày. Đồng thời, kiến nghị Phòng CSGT và Công an các huyện, thị xã tăng cường sử dụng bộ cân xách tay để kiểm soát tải trọng xe thuộc phạm vi đơn vị quản lý.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (thực hiện)