Báo động sức khỏe công nhân
Công việc nặng nhọc, thường xuyên tăng ca nhưng đồng lương ít ỏi lại không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ nên không ít công nhân, người lao động dễ bị kiệt sức. Tình trạng này đang phổ biến trong các doanh nghiệp, nhà máy, nhất là những doanh nghiệp có nhiều yếu tố ảnh hưởng môi trường về tiếng ồn, khói bụi, hóa chất…
Đủ thứ bệnh
Ngồi bó gối trước hành lang Phòng khám Đa khoa Đ.P. (đường Lý Phục Man, quận 7, TPHCM), anh Trần Tuấn Hải (ngụ Tiền Giang) nhăn nhó: “Mấy hôm nay em nhức xương khớp quá, ê ẩm cả người không làm việc được nên xin công ty cho nghỉ đi khám bệnh”. Làm công nhân cho một công ty giày da tại quận 7 từ 3 năm nay, anh Hải thường xuyên phải đứng làm việc chứ ít khi được ngồi, lại hít thở bụi từ các loại vải, sợi nên sức khỏe ngày càng xuống dần. “Hồi mới lên làm công nhân làm thêm ca không sao nhưng nay nghe đến tăng ca là bải hoải”, anh Hải tâm sự.
Tuy nhiên, ngoài việc đi khám sức khỏe sơ sài để làm thủ tục nộp hồ sơ xin việc lúc đầu thì hầu như rất hiếm khi được công ty tổ chức cho đi khám sức khỏe hay nghỉ dưỡng! Cùng tâm trạng như anh Hải, nhiều công nhân đều có nhận xét là doanh nghiệp chưa chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động nên mỗi khi công nhân ốm đau thì tự lo liệu lấy…
Theo bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, trong số các công nhân đang ngày đêm lao động thì công nhân may phải tiếp xúc, hít nhiều loại sợi đay, gai, bông… trong quá trình sản xuất nên nguy cơ mắc bệnh bụi phổi rất lớn. Bên cạnh đó, một số bệnh nghề nghiệp khác mà công nhân thường gặp phải như ù tai, đau nhức mắt, đau vùng đĩa đệm lưng, xương khớp. Một cuộc khảo sát vừa công bố của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM cho thấy, trong số 1.000 công nhân nghề may được thăm dò thì 93% bị mệt mỏi sau lao động, trong đó 47% mệt mỏi toàn thân; 17% nặng đầu, nhức đầu; 15% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai. Theo Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp TPHCM, nếu như các năm trước tỷ lệ bệnh nhân là công nhân chỉ chiếm 10% - 15% thì nay có gần 30% trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh nghề nghiệp. Theo các chuyên gia y tế, công nhân mắc các bệnh nghề nghiệp không gây chết người ngay mà thường để lại tác hại lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tại hội thảo “Môi trường lao động - Bệnh nghề nghiệp” tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, TS-BS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường TPHCM, cho biết qua đo đạc môi trường lao động tại 1.022 cơ sở trên địa bàn TP trong 9 tháng năm 2014 cho thấy các yếu tố ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, bụi đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ cho gần 6.000 người lao động đã xác định 32,28% thuộc loại kém, 32,35% loại trung bình và gần 8% là thuộc loại rất kém. Đáng lưu ý, trong hơn 66% doanh nghiệp có yếu tố nguy cơ nhưng chỉ 24,5% tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác tầm soát và bảo vệ sức khỏe cho công nhân hiện còn nhiều hạn chế.
Doanh nghiệp thiếu quan tâm
Theo phản ánh của không ít công nhân thì ngoài việc bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe xin việc lúc đầu (mà phần lớn là… đi mua), thì cả quá trình lao động hầu như công nhân không được chủ doanh nghiệp cho khám sức khỏe đúng định kỳ. “Nhiều doanh nghiệp gần như bỏ quên việc khám sức khỏe cho công nhân vì sợ tốn kém”, TS-BS Huỳnh Tấn Tiến nhìn nhận. Trong khi, với đồng lương eo hẹp, đời sống của công nhân rất thiếu thốn nên sức khỏe cũng ngày càng yếu đi.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, một cuộc khảo sát dinh dưỡng mới đây trong gần 1.000 công nhân thì có đến 29,6% bị suy dinh dưỡng. Trong đó, phổ biến nhất là thiếu vitamin nhóm B, 20% công nhân bị thiếu máu và hơn 70% bị thiếu iốt. “Tình trạng suy dinh dưỡng trong công nhân đã đến mức báo động, nhất là công nhân trong các khu chế xuất - khu công nghiệp”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp nói. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp là đời sống công nhân thấp và công nhân thiếu kiến thức về dinh dưỡng lại không được doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, công nhân phải làm việc nặng nhọc, thường xuyên tăng ca, làm đêm, nếu không có chế độ ăn uống đủ chất sẽ dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, bệnh tật, giảm sút sức lao động và chất lượng sống.
Mặc dù thực trạng sức khỏe công nhân ngày một kém nhưng một bộ phận doanh nghiệp vẫn không mấy quan tâm. TS-BS Huỳnh Tấn Tiến cho biết, khi đi kiểm tra, có nhiều doanh nghiệp cả mấy năm trời không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Thậm chí có doanh nghiệp khói bụi mù mịt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe công nhân nhưng cũng không khắc phục. “Tại TPHCM có gần 67% doanh nghiệp có môi trường chứa yếu tố nguy cơ cho sức khỏe nhưng chỉ gần 25% trong số đó tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động là quá ít, chưa tới một nửa”, TS-BS Huỳnh Tấn Tiến bức xúc. Trong khi TPHCM có khoảng 150.000 doanh nghiệp, 200.000 cơ sở sản xuất nhỏ và vừa với trên 2,5 triệu lao động thì số lao động không được chăm sóc sức khỏe không phải ít. Theo Bộ Y tế, đến nay mới chỉ có khoảng 15% cơ sở lao động trong toàn quốc được giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp định kỳ. Qua điều tra tại 51 cơ sở y tế cho thấy có tới 42,85% số lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
40.000 người lao động thương tật mỗi năm
Tại buổi trình Quốc hội dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, chỉ tính riêng khu vực có quan hệ lao động thì tai nạn lao động làm chết mỗi năm trung bình 700 người, trên 40.000 người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến cuối năm 2013, số người được hưởng trợ cấp hàng tháng từ cơ quan bảo hiểm xã hội do bị tai nạn lao động là trên 37.000 người. Việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Theo thống kê, có khoảng 10% người lao động có sức khỏe yếu.
Theo Tường Lâm (SGGP)