Một năm thực hiện “Đưa võ cổ truyền vào trường học”: Chưa có sự đồng bộ
Qua một năm thực hiện chủ trương đưa võ cổ truyền vào trường học, kết quả đạt được ở các địa phương rất khác nhau nhưng nhìn chung còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là các đơn vị còn chưa thực sự thông suốt về cách làm, bên cạnh đó, còn có những khó khăn riêng mang tính đặc thù ở một vài địa phương.
Công tác triển khai: còn nhiều khó khăn
Trong tháng 10.2013, Sở VH-TT&DL và Sở GD&ĐT đã ban hành những văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc triển khai chương trình đưa võ cổ truyền vào trường học. Dù vậy, do chưa có sự bàn bạc, thống nhất về cách thức thực hiện từ hai Sở, nên quá trình triển khai chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, việc khảo sát về địa điểm, rà soát trình độ của đội ngũ võ sư, HLV cũng chưa được thực hiện nên nảy sinh nhiều vướng mắc. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh nêu ra khó khăn vì đội ngũ võ sư, HLV còn thiếu, chưa có điểm trường nào đủ điều kiện để triển khai thực hiện; huyện Phù Mỹ chưa thành lập được Hội võ thuật và Chi hội võ cổ truyền, nên chỉ đang “hoàn chỉnh hồ sơ” để sắp tới triển khai tại Trường THPT Bình Dương và Trường Tiểu học số 1 Mỹ Hòa.
Phòng VHTT và Phòng GD&ĐT thị xã An Nhơn được cho là có sự phối hợp bài bản nhất, khi cùng với Hội võ thuật thị xã triển khai đưa võ cổ truyền vào trường học cho tất cả 43 trường THCS và trường tiểu học trên địa bàn. Phòng GD&ĐT thị xã phối hợp với võ sư Lê Xuân Cảnh mở lớp tập huấn võ cổ truyền cho 43 giáo viên thể dục của các trường với bài Bạch hạc sơn quyền trong thời gian 3 ngày. Cùng với đó, Phòng GD&ĐT thị xã đang xây dựng chương trình dạy ngoại khóa triển khai đưa võ cổ truyền vào các trường học trên địa bàn. Ngoài ra, trong dịp hè năm 2014, Hội võ thuật thị xã phối hợp với Trường THCS Nhơn Lộc và Trường THCS Nhơn Tân mở các lớp võ cổ truyền cho đối tượng học sinh, với gần 220 em tham gia tập luyện.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngành giáo dục An Nhơn sẽ làm thế nào để “thuyết phục” phụ huynh học sinh cho con em mình tham gia vào các lớp võ cổ truyền do các giáo viên thể dục truyền dạy, khi họ chỉ được tập huấn duy nhất một bài trong vòng… 3 ngày? Bởi đây là chương trình ngoại khóa, không phải môn học bắt buộc. Và cần phải hiểu tâm lý của hầu hết phụ huynh mê võ rằng: họ đều tìm đến những võ sư danh tiếng trong vùng để gửi con em mình theo học, chứ không phải ở những lớp với các giáo viên “kiêm nhiệm”.
Trong khi đó, việc triển khai ở nhiều địa phương khác hầu như không đạt được kết quả tích cực nào. Cách hiểu và cách làm ở một số nơi chỉ đơn giản theo cách: các trường tạo điều kiện về sân bãi để những võ sư đủ tiêu chuẩn vào chiêu sinh giảng dạy. Thực ra, cách làm này đã được nhiều võ sư thực hiện lâu nay, với việc thuê, mượn địa điểm ở các cơ quan, trường học để mở lớp. Nhưng cái đích mà chủ trương lần này hướng tới là sự phối hợp giữa ngành thể thao và ngành giáo dục, nhằm thu hút đông đảo học sinh tập luyện bộ môn võ cổ truyền, góp phần bảo tồn di sản của địa phương. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật tỉnh, để đạt được hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương đưa võ cổ truyền vào trường học, trách nhiệm quản lý, chiêu sinh các lớp võ thuộc về Ban giám hiệu nhà trường, còn những võ sư chịu trách nhiệm về giáo án, chương trình. Chính sự tác động của nhà trường đối với học sinh mới đem lại hiệu quả cao trong việc thực hiện chủ trương này.
Nên đưa võ cổ truyền vào HKPĐ
Ông Nguyễn Minh Hùng cũng đưa ra đề xuất đưa võ cổ truyền trở thành một môn thi đấu trong chương trình Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) các cấp tại Bình Định. Vì có như vậy, các trường, đơn vị mới thực sự quyết tâm trong việc phổ biến môn võ này đến với học sinh, nhằm xây dựng lực lượng tham gia các giải hàng năm. Ông Hùng cho biết thêm: “Hàng năm, Sở VH-TT&DL tổ chức Giải võ cổ truyền các CLB, trong đó có nhiều nội dung dành cho các lứa tuổi khác nhau, từ bậc Tiểu học đến THPT. Nếu đạt được sự đồng thuận, chúng tôi có thể phối hợp với ngành GD&ĐT tách riêng những nội dung dành cho lứa tuổi trẻ để tổ chức như những giải bóng chuyền, bóng đá, cầu lông… học sinh. Hiện nay, lực lượng học sinh ở các địa phương tham gia tập võ cổ truyền ở các lớp phong trào khá nhiều, nên ý tưởng này hoàn toàn có thể thực hiện được trong thời gian ngắn sắp tới”.
Một điều dễ nhận thấy là hiện nay còn rất nhiều trường vẫn chưa nhận được sự hướng dẫn cụ thể về việc triển khai đưa võ cổ truyền vào trường học. Vì vậy, việc thực hiện còn nhiều lúng túng, khi không biết sẽ tổ chức lớp thế nào, theo chương trình nào… Để giải quyết tình trạng này, theo chúng tôi, Sở VH-TT&DL và Sở GD&ĐT cần bàn bạc chi tiết hơn, dựa trên thực tế triển khai trong thời gian qua để có hướng chỉ đạo cụ thể hơn. Cùng với đó, bộ phận chuyên môn cần biên soạn bộ giáo trình cơ bản cho các cấp học, để tạo được sự thống nhất ở tất cả các trường trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn cho những võ sư, giáo viên thể dục để họ nắm rõ những nội dung truyền đạt ở các lớp võ cổ truyền trong trường học, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất theo đúng tinh thần chủ trương đưa ra.
LÊ CƯỜNG