Xã Hoài Hải (Hoài Nhơn): Dân ngại vào khu tái định cư
Hằng trăm hộ gia đình ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn sống dọc sông Lại Giang và cửa biển An Dũ nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở hoặc đã bị sạt lở vẫn chưa đồng ý di dời đến khu tái định cư mới. Vì sao lại có hiện tượng này?
Sống trong phập phồng lo lắng
Trong chừng 10 năm gần đây, hơn 260 hộ dân ở các thôn: Kim Giao Bắc, Kim Giao Trung, Kim Giao Nam, Kim Giao Thiện, Diêu Quang thuộc xã Hoài Hải, xã ven biển thuộc huyện Hoài Nhơn, luôn nơm nớp nỗi lo sợ mất nhà do tình trạng triều cường dâng cao, bờ sông xói lở áp sát vào nhà dân.
Khu TĐC Diêu Quang còn khá hoang vu.
Theo UBND xã Hoài Hải, triều cường từng tàn phá tới 3-4 lớp nhà ven biển. Nếu trước năm 2005, mép biển cách khu dân cư 60 m, thì đến năm 2014, khoảng cách này chỉ còn từ 5 m, chỗ rộng nhất là 10m. Vào mùa mưa, nước biển tràn vào nhà, người dân buộc phải sơ tán đến nơi ở an toàn hơn. Bão tan, người dân lại quay về sửa chữa nhà cửa mới ở được. Vùng ven biển thì thế, còn những khu ven sông bị xâm thực nghiêm trọng hơn, nhiều ngôi nhà nằm “chênh vênh” giữa dòng Lại Giang nhờ còn phần móng cọc.
Ông Lê Ngọc Ninh, một người dân ở thôn Kim Châu Bắc, lo lắng: “Sống ở đây hơn 40 năm, tôi từng chứng kiến nhiều ngôi nhà kiên cố bị sóng biển cuốn trôi. Nay nhà tôi cũng đang rất gần mép biển. Quá lo sợ, người dân phải tự trồng cây, đổ thêm đất đá, xà bần để ngăn chặn nạn sạt lở. Nhưng chẳng ăn thua gì”. Không chỉ gia đình ông Ninh, mà nhiều hộ gia đình khác như ông Phan Đậm, bà Nguyễn Thị Nê, Võ Thị Năm… cũng nằm trong tình cảnh tương tự.
Nhưng dân ngại vào khu tái định cư
Nguy hiểm là vậy, nhưng đến nay chưa đầy một nửa hộ dân đồng ý di dời đến khu tái định cư (TĐC) thuộc thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải. Số còn lại chưa muốn chuyển đến nơi ở mới vì cho rằng mức hỗ trợ thấp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, còn nhiều mặt hạn chế. Hệ thống cống lộ thiên, không có nắp đậy, gây ô nhiễm môi trường; các điều kiện về giáo dục, y tế... cũng khiến người dân thêm đắn đo.
Theo ông Trần Văn Tô, một hộ gia đình thuộc diện di dời đến khu TĐC, thì nhiều năm nay gia đình ông không chấp nhận vì số tiền hỗ trợ là quá ít. “Tổng diện tích đất ở nhà ông là 320 m2 nhưng nếu chuyển đến nơi ở mới chỉ nhận khoản hỗ trợ là 20 triệu đồng tiền để xây dựng nhà cửa cùng 100 m2 đất ở. Chưa kể, nhiều thế hệ sống chung một ngôi nhà thì rất bất tiện”.
Ngoài ra, do nền đất tại khu TĐC mới yếu, sụt lún, một số hộ mới xây đã nứt tường. Chị Lê Thị Nương, một người dân đến khu TĐC mới, ta thán: Nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, gia đình chị đến đây sinh sống và xây dựng nhà ở kiên cố đã hơn 4 năm. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, nhà có dấu hiệu sụt lún, tường bị nứt nhiều chỗ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Huỳnh Có- Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, cho biết: Chủ trương di dời bắt đầu từ năm 2006, nhưng đến nay chỉ 107 hộ dân bị ảnh hưởng nặng do tình trạng xâm thực, không còn cách nào khác mới dời đến khu TĐC Diêu Quang. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cho các hộ dân quá thấp. Đơn cử như mức hỗ trợ từ năm 2006 - 2010 là 2 triệu đồng/hộ dân; 2010 - 2012 là 10 triệu đồng/hộ dân, hiện tại mức hỗ trợ là 20 triệu/hộ dân; kèm theo đó là lô đất 100m2 . Trong khi đó ngân sách của chính quyền địa phương có hạn, nên không thể tăng thêm hỗ trợ cho dân. Công bằng mà nói, nơi ở mới cũng chưa đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng của người dân, ví dụ: hệ thống cống không đảm bảo, người dân phải sử dụng nước giếng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, việc di chuyển làm ăn đánh bắt thủy sản rất bất tiện. Khi san lấp nền đất tại khu TĐC, có lẽ chưa đầm kỹ nên đất còn yếu và ít ổn định. Hiện, UBND xã đã gửi văn bản kiến nghị cấp trên xem xét xây dựng tuyến bờ kè dọc sông Lại Giang.
Một mùa mưa nữa đang đến, các hộ dân ở Hoài Hải lại đối mặt những mối lo thường trực nhiều năm nay. Để tránh những hậu quả xấu, rất mong chính quyền địa phương và ngành chức năng tăng cường kiểm tra, nhanh chóng cho di dời dân đến nơi an toàn khi có dấu hiệu thiên tai. Đồng thời tiếp tục vận động người dân đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
PHÚC LỘC