Xóa bỏ sản xuất gạch ngói bằng đất sét nung thủ công ở Tây Sơn:
Lộ trình cụ thể, quyết tâm cao
Hiện trên địa bàn huyện Tây Sơn có tổng số 950 lò sản xuất gạch ngói (SXGN), trong đó có 930 lò thủ công, tập trung chủ yếu ở xã Bình Nghi với 475 lò, xã Tây Xuân 255 lò... Đến nay, UBND huyện Tây Sơn và các địa phương đã sẵn sàng thực hiện việc xóa bỏ lò SXGN bằng đất sét nung thủ công (ĐSNTC) theo lộ trình đã đề ra.
Lộ trình cụ thể
Thực hiện Chỉ thị 04 của UBND tỉnh về xóa bỏ lò SXGN bằng ĐSNTC, tháng 2.2012 huyện Tây Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo xóa bỏ lò gạch ngói thủ công trên địa bàn huyện, do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Từ năm 2012 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai các phương án chuyển đổi, tiến tới xóa bỏ các lò gạch thủ công.
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 25/2013/NQHĐND ngày 11.12.2013 của HĐND tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 7 về việc ban hành Quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động SXGN bằng ĐSNTC trên địa bàn tỉnh, huyện Tây Sơn đề ra lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện trong 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Đến hết tháng 12.2014, đối với các lò SXGN từ ĐSNTC nằm xen kẽ trong khu dân cư, các doanh nghiệp, chủ cơ sở phải chấm dứt hoạt động sản xuất, chuyển đổi công nghệ và phải đưa vào cụm công nghiệp (CCN) để sản xuất hoặc chuyển đổi nghề, tháo dỡ cơ sở sản xuất, trả lại đất cho Nhà nước quản lý hoặc cá nhân sử dụng đất đúng mục đích.
Giai đoạn 2: Đến tháng 12.2015, đối với các cơ sở SXGN từ ĐSNTC nằm ngoài khu dân cư hoặc các điểm sản xuất tập trung (khoảng 400 lò), các doanh nghiệp, chủ cơ sở phải chấm dứt hoạt động sản xuất, hoặc chuyển đổi công nghệ, đưa vào CCN sản xuất hoặc chuyển đổi nghề, tháo dỡ cơ sở sản xuất, trả lại đất cho Nhà nước quản lý.
Giai đoạn 3: Đến hết năm 2016 toàn huyện sẽ chấm dứt hoạt động, xóa bỏ tất cả các lò SXGN nung thủ công còn lại.
Hết năm nay xóa bỏ 182 lò trại
Thực hiện lộ trình trên, sau khi tổ công tác của huyện phối hợp các địa phương xúc tiến việc cấp phát tờ khai, hướng dẫn các chủ cơ sở SXGN lập các thủ tục, kết quả toàn huyện có tổng cộng 146 chủ cơ sở đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ tự nguyện xin chấm dứt sản xuất trong năm 2014 này đối với 182 lò trại. Trong đó có 147 lò trại nằm trong khu dân cư (diện bắt buộc phải tháo dỡ trong năm 2014 theo lộ trình) và 35 lò trại nằm trong khu sản xuất tập trung, trong CCN (tự nguyện xin tháo dỡ trước lộ trình).
Trong đợt này, xã Bình Nghi có số lượng lò SXGN tháo dỡ, ngừng hoạt động nhiều nhất huyện với 108 lò, xã Tây An 23 lò, Tây Bình 11 lò, Tây Vinh 3 lò… Trên cơ sở thẩm tra của tổ công tác huyện về quy mô lò trại và số lượng lao động, huyện thống nhất tổng kinh phí cần hỗ trợ để các cơ sở tháo dỡ trong năm 2014 trên 3 tỉ đồng; trong đó kinh phí hỗ trợ tháo dỡ lò trại trên 1,8 tỉ đồng, hỗ trợ đời sống cho lao động trên 1,2 tỉ đồng. Căn cứ quy định của UBND tỉnh, nguồn hỗ trợ trên sẽ do ngân sách tỉnh đảm nhận trên 2,66 tỉ đồng và huyện Tây Sơn trên 361 triệu đồng.
Theo quy định, mỗi lò có công suất dưới 0,4 triệu viên/năm sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng để tháo dỡ; lò có công suất dưới 0,65 triệu viên được hỗ trợ 7,5 triệu đồng và lò công suất trên 0,65 triệu viên/năm được hỗ trợ 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ lương thực cho 7 lao động/lò, mỗi lao động được nhận 6 tháng gạo ăn với mức 15 kg/tháng/người. Hiện UBND huyện Tây Sơn đã lập đầy đủ thủ tục trình tỉnh phê duyệt nguồn kinh phí trên để hỗ trợ cho các chủ cơ sở sản xuất và người lao động. Nhìn chung, nhờ có sự tuyên truyền sâu rộng, nên đến thời điểm này các chủ cơ sở SXGN bằng ĐSNTC trên địa bàn huyện đã thông suốt chủ trương và chờ kinh phí hỗ trợ để sẵn sàng tháo dỡ lò trại trong năm 2014 theo quy định.
Ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, cho biết: Trên địa bàn xã, ngoài 108 lò SXGN phải tháo dỡ theo lộ trình, còn có 33 cơ sở nữa cũng được tháo dỡ. Như vậy đến cuối năm nay, xã có tổng cộng 141 cơ sở cần tháo dỡ, di dời. Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo huyện, xã đã tổ chức họp quán triệt cho bà con có cơ sở SXGN nung thủ công dọc theo quốc lộ 19. Hiện nay bà con đã ngưng sản xuất, và mong muốn sớm được nhận tiền hỗ trợ để tháo dỡ trước thời điểm 31.12.2014.
Bên cạnh việc vận động các chủ cơ sở xóa bỏ SXGN bằng ĐSNTC, huyện Tây Sơn cũng đã và đang khuyến khích các chủ cơ sở, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo công nghệ mới ở các CCN. Đến thời điểm này đã có 12 đơn vị xin đầu tư theo công nghệ lò Hoffman vào sản xuất tại CCN Trường Định - xã Bình Hòa, CCN Tây Xuân và CCN Hóc Bợm - xã Bình Nghi.
Ông Võ Văn Dũng, Trưởng BQL CCN huyện Tây Sơn, cho biết thêm: Theo Quyết định số 286 ngày 25.1.2014, UBND tỉnh đã cho phép huyện Tây Sơn chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang lò Hoffman với công suất sản xuất trong năm 2015 là 162 triệu viên gạch, ngói, tương đương với 18 lò, mỗi lò sản xuất 9 triệu viên/năm. Từ chủ trương của tỉnh và huyện, các nhà đầu tư và các hộ kinh doanh cá thể đã có sự nhìn nhận và định hướng phát triển sản xuất trên cơ sở chuyển đổi theo công nghệ này, và hiện nay các DN đã đăng ký vào các CCN trên địa bàn nhiều hơn so với các năm.
HOÀNG CHI