Khởi động dự án sản xuất lúa thích ứng ngập nước và nhiễm mặn
(BĐ) - Sáng nay (20.11), tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Lễ khởi động Dự án “Chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa thích ứng úng ngập và nhiễm mặn cho cộng đồng, nhằm duy trì sản xuất lúa hiệu quả, hạn chế tình trạng hoang hóa đất trồng lúa trong điều kiện nhiễm mặn gia tăng vì nước biển xâm nhập sâu do tác động của biến đổi khí hậu ở vùng ven đê Đông tỉnh Bình Định”.
Dự án triển khai thực hiện từ tháng 9.2014 đến tháng 3.2017; kinh phí thực hiện hơn 4,8 tỉ đồng, trong đó Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ hơn 1 tỉ đồng, đối ứng của nông dân trên 3,5 tỉ đồng và các nguồn khác 227 triệu đồng.
Sở NN-PTNT chọn giống lúa ĐV108 để thực hiện mô hình và phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phục tráng giống lúa này trở thành giống ĐV108 PT siêu nguyên chủng vào cuối năm 2015. HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1 được chọn đảm nhận khâu sản xuất, cung ứng giống lúa ĐV 108, ĐV 108 PT cho nông dân với giá thấp hơn thị trường.
Mục tiêu của dự án là thực hiện các mô hình trình diễn kỹ thuật thâm canh lúa thích ứng ngập úng và nhiễm mặn, nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng vùng bị tác động bởi mưa lũ, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu tại các xã Phước Sơn, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và Cát Chánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát). Đồng thời, nâng cao nhận thức và năng lực quản lý của chính quyền địa phương, nông dân về biến đổi khí hậu gắn với sản xuất nông nghiệp bền vững ở địa phương.
Đây là dự án được xây dựng dựa trên kết quả đã đạt được của dự án CBA “Góp phần giảm thiểu tác hại của ngập úng và xâm nhập mặn do nước dâng nhằm phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ từ tháng 10.2009 đến tháng 4.2012.
THU HIỀN