Dự án Giảm thiểu rủi ro ngập lụt vùng hạ lưu sông Côn, Hà Thanh: Góp phần hạn chế thiệt hại do lũ lụt
Được sự hỗ trợ của Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu (CCCO) tỉnh đã xây dựng và triển khai Dự án (DA) “Giảm thiểu rủi ro ngập lụt cho người dân vùng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn - TP Quy Nhơn”, góp phần hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Bất cập ở khu vực trữ lũ
Theo ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở TN-MT, Giám đốc Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh (CCCO): Sông Hà Thanh dài 48 km, diện tích lưu vực 580 km2, bắt nguồn từ vùng núi huyện Vân Canh; còn sông Côn là sông lớn nhất tỉnh, dài 178 km, diện tích lưu vực 3.067 km2, chảy vào nhánh bắc của sông Hà Thanh gần đồi Trường Úc ở phường Nhơn Bình - TP Quy Nhơn. Đặc điểm chung của 2 con sông này là đều bắt nguồn từ vùng núi cao, phần thượng nguồn sông hẹp và dốc, nên dễ gây lũ quét. Khi nước xuống hạ nguồn theo nhánh chính, hòa với các chi lưu nhỏ hơn rồi chảy vào khu vực đồng bằng trữ lũ. Tại đó, nước trải rộng ra các cánh đồng lúa, ao cá và đầm nước trong một mạng lưới dày đặc các suối và luồng lạch. Đáng lưu ý, do khu vực này bị đô thị hóa, không gian cho lũ bị thu hẹp lại, nên nước lũ dâng cao hơn, dòng chảy mạnh hơn, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn, nhất là trên địa bàn các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú - TP Quy Nhơn.
Tiến sĩ Michael DiGregorio, Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam phân tích: Do tình trạng ứ đọng nước bởi đô thị hóa và phát triển hạ tầng không đồng bộ trên các vùng trũng thấp thuộc phường Nhơn Phú và Nhơn Bình, gây ngập nặng. Từ năm 2007 đến nay, cứ có mưa lớn thì toàn bộ 712 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của hai phường Nhơn Bình và Nhơn Phú lại bị ngập úng hoàn toàn. Trận mưa lũ tháng 11.2009 do bão số 11 (bão Mirinae) gây ra được cho là cơn lũ lịch sử trong vòng 40 năm qua đã gây mưa to và lũ lớn với nhiều thiệt hại ở vùng hạ nguồn sông Côn và Hà Thanh. Nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại lớn là do người dân địa phương không hề được cảnh báo lũ sớm và hoàn toàn bị động, không kịp ứng phó.
Sự cần thiết của DA
Trước thực trạng nói trên, được sự đồng ý của UBND tỉnh và sự hỗ trợ của Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), CCCO Bình Định đã xây dựng và triển khai DA “Giảm thiểu rủi ro ngập lụt cho người dân ở vùng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn - TP Quy Nhơn”. Tổng kinh phí của DA là 476.268 USD. Có khoảng 40.000 người dân ở 2 phường Nhơn Bình, Nhơn Phú và hàng ngàn hộ dân vùng lân cận của một số xã, phường TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước được hưởng lợi từ DA này.
Theo ông Đinh Văn Tiên, mục tiêu của DA nhằm tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH của người dân sinh sống ở vùng trữ lũ hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn trong việc thích ứng và khắc phục hậu quả lũ lụt. DA gồm 4 hợp phần: Thu thập và quản lý số liệu tức thời về mực nước lũ. Hệ thống thông tin cảnh báo và ứng phó với lũ tại cộng đồng. Các biện pháp chuẩn bị ứng phó với lũ tại cộng đồng. Tăng cường các biện pháp ứng phó với lũ tại cộng đồng.
DA sẽ thực hiện một số hoạt động, như: Cung cấp thông tin tức thời về tình trạng ngập lụt trên hệ thống sông Côn và sông Hà Thanh. Xây dựng hệ thống và quy trình cần thiết để cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về ngập lụt cho người dân ở những vùng trũng thấp của TP Quy Nhơn. Áp dụng hệ thống 3 cấp đã thiết lập cho việc cảnh báo mực nước sông. Xây dựng bản đồ ngập cho phường Nhơn Phú và Nhơn Bình. Tăng cường công tác chuẩn bị và ứng phó với ngập lụt của cộng đồng qua việc xây nhà an toàn, cải thiện tiếp cận nước sạch, chuẩn bị kế hoạch ứng phó, nâng cao kiến thức về BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Cụ thể, DA sẽ xây dựng, lắp đặt một hệ thống giám sát mực nước sông và lượng mưa tức thời; xây dựng một mạng lưới truyền tin cảnh báo để người dân ở phường Nhơn Bình, Nhơn Phú được cung cấp thông tin kịp thời về tình hình lũ lụt tại địa phương. Các thành viên cộng đồng sẽ được đào tạo về cách chuẩn bị, cách diễn giải thông tin và cách ứng phó với các cảnh báo lũ thông qua tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và qua việc lập bản đồ nguy cơ lụt ở địa phương; được cung cấp kiến thức về thích ứng với BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, DA sẽ xây dựng hệ thống nhà đa năng cộng đồng để làm trụ sở chỉ huy thực hiện các kế hoạch ứng phó lũ, vừa làm nơi trú ẩn an toàn cho nhân dân.
Đến nay, CCCO Bình Định đã triển khai được một số hoạt động, như: Xây dựng 4 trạm quan trắc cảnh báo lũ tại vùng hạ lưu sông Côn và sông Hà Thanh; xây dựng chương trình truyền tin cảnh báo lũ sớm bằng tin nhắn SMS và trang bị điện thoại di động cho cán bộ Ban phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn cùng đội xung kích 2 phường Nhơn Bình, Nhơn Phú; khảo sát địa điểm để xây dựng nhà đa năng cộng đồng; tập huấn thông tin, truyền thông về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. DA sẽ kết thúc vào cuối tháng 12.2015.
VIẾT HIỀN