Tàu thuyền thấp thỏm tìm nơi trú bão
Hiện nay, các cảng cá xuống cấp, cát bồi lấp luồng lạch ra, vào dẫn đến tàu, thuyền thiếu nơi neo trú bão an toàn đang là nỗi lo chung của ngư dân.
Nhiều bất cập
Năm 2010, Cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) được ngành chức năng đầu tư kinh phí xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền và hạ tầng phục vụ phát triển nghề cá tại địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên cửa biển bị cát bồi lấp, tàu cá ra vào khu neo đậu rất khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống ụ neo bên trong khu neo đậu bị chìm dưới nước lúc thủy triều lên, ngư dân muốn neo tàu phải cột dây vào các trụ neo trong bờ nên khi gió to, sóng lớn thường xảy ra hiện tượng đứt dây neo, gây va đập, hư hỏng, thậm chí chìm tàu.
Ông Lý Văn Vang (45 tuổi, trú thôn Nhuận An Đông, xã Hoài Hương, Hoài Nhơn), thuyền trưởng tàu cá BĐ 96768 - TS, lo lắng: “Dù trên địa bàn đã có Cảng cá Tam Quan, nhưng luồng lạch ra vào cảng bị bồi lấp, sức chứa lại nhỏ nên vào mỗi mùa mưa bão, tàu thuyền vào cảng rất dễ bị sóng đánh hất vào kè gây phá nước; ở ngoài thì không có chỗ neo đậu. Nhiều tàu thuyền có công suất lớn phải chạy vào cảng Quy Nhơn hoặc các cảng cá khác”.
Tương tự, Cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) là nơi tránh trú bão an toàn cho trên 1.000 tàu đánh cá. Tuy vậy, sức chứa khu neo đậu nhỏ, hệ thống luồng lạch ra vào, đê, kè bảo vệ, ụ neo đậu, cầu cảng, đèn chiếu sáng đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Còn tại Cảng cá Quy Nhơn, dù hằng năm, đơn vị chủ quản đều đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng cũng chẳng khá hơn. Đặc biệt, từ khi một đơn vị hoạt động trong ngành hàng hải đầu tư xây dựng cầu cảng, bao bọc gần như toàn bộ cảng cá, khiến diện tích mặt nước trong cảng cá bị thu hẹp; dẫn đến tình trạng quá tải và phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, như tranh giành cập cầu, chỗ neo đậu. Quan ngại nhất, mùa mưa bão nhiều tàu thuyền không thể cập cảng tránh trú an toàn.
Ngư dân Lê Văn Xướng (trú thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) - chủ tàu cá BĐ 93312 - TS, cho biết: “Mỗi khi mưa to, gió bão, hằng trăm chiếc tàu chen chúc, xô đẩy nhau vào neo đậu tại khu tránh trú thuộc Cảng cá Quy Nhơn. Phương tiện nào lên sớm thì may mắn có được nơi đậu an toàn và thuận lợi; phương tiện đến sau phải neo đậu bên ngoài, khi gió to, triều cường, các phương tiện va đập vào nhau dễ gây thiệt hại”.
Chủ động khắc phục
Ông Phạm Văn Chung, Phó Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: Do Cảng cá Tam Quan chưa có Ban Quản lý nên công tác quản lý, kiểm soát và hướng dẫn tàu thuyền ra, vào cảng hoặc tránh trú bão gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục trở ngại này, huyện thường xuyên chỉ đạo UBND xã Tam Quan Bắc rà soát, nắm chắc số lượng tàu cá, số lao động trên tàu; có kế hoạch đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu trong khu vực cảng biển.
Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc Phạm Ngọc Bảo cho biết: “Công tác đảm bảo trật tự, an toàn trong khu vực neo đậu và ngoài cửa biển Tam Quan luôn được địa phương và Trạm Biên phòng Tam Quan Bắc duy trì thường xuyên. Đồng thời, cắt cử lực lượng kiểm tra, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền ngư dân vào khu neo đậu an toàn. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng tại khu vực cửa biển để tàu thuyền ra vào dễ dàng nhận biết và phòng tránh các luồng lạch bị cát bồi lấp”.
Còn ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Riêng việc giải quyết tình trạng quá tải hiện nay đã vượt quá khả năng của chúng tôi. Trước mắt, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp tới, đơn vị sẽ thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn; Cảnh sát Giao thông đường thủy - Công an tỉnh; Thanh tra Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Sở NN-PTNT và Công an phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, di dời và sắp xếp tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn, đảm bảo an ninh trật tự”.
Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt quy hoạch các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn toàn quốc. Trong đó, Bình Định có hai khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng được phê duyệt quy hoạch gồm Cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh (Phù Cát) và Cảng cá Tam Quan, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn). Theo đó, Cảng cá Đề Gi, với nguồn vốn dự kiến đầu tư 245 tỉ đồng, có sức chứa khoảng 1.000 tàu thuyền có công suất từ 90- 400CV. Cảng cá Tam Quan được quy hoạch là Trung tâm nghề cá của tỉnh, có vốn đầu tư dự kiến khoảng 15 triệu USD, cảng cá được chỉnh trị và mở rộng cho các tàu cá dưới 100 tấn ra vào dễ dàng và an toàn.
TRỌNG LỢI