PCCC và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở: Còn lắm âu lo
Địa phương thiếu kinh phí để đầu tư dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tại chỗ, ngay cả việc kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong PCCC của cơ quan chức năng cũng còn bất cập. Đây là những tồn tại trong công tác PCCC và CNCH mà Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh ghi nhận được qua đợt kiểm tra thực tế (từ ngày 13.10 đến 7.11.2014) tại 11 huyện, thị xã, thành phố và một số doanh nghiệp.
Thiếu nhân lực, vật lực
Theo báo cáo chung, UBND các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH; chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện PCCC trên địa bàn và tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn về PCCC. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức tự giác PCCC của người dân cũng được quan tâm. Đến nay, các địa phương đã thành lập được 121 đội dân phòng PCCC cơ sở.
Trong năm 2014 (tính từ 11.2013 đến 10.2014) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 49 vụ cháy các loại, làm chết 1 người, giá trị thiệt hại tài sản 29,5 tỉ đồng (chưa tính đến vụ cháy tại Cảng Quy Nhơn ngày 11.8.2014, ước tính thiệt hại hàng chục tỉ đồng); so với năm 2013, tăng 9 vụ cháy, thiệt hại tài sản tăng 23,4 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo thượng tá Trần Xuân Chí, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CA tỉnh, thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, thì: Việc triển khai PCCC và CNCH nhìn chung còn nhiều bất cập. Các phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công tác này ở cơ sở mới đáp ứng 8/19 tiêu chí, thiếu nhất là mặt nạ phòng chống khí độc, thang dây cứu người. Các địa phương phản ánh bởi kinh phí hạn hẹp nên không thể đầu tư mua sắm đủ yêu cầu, mặt khác, do chưa có quy định cụ thể về việc trích ngân sách để đầu tư cho PCCC và CNCH nên cũng không dám chi “mạnh tay”. Phần lớn các đội PCCC tại chỗ đều kiêm nhiệm; hiệu quả phòng ngừa và cứu chữa các đám cháy ban đầu tại chỗ thấp.
Ngoài ra, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí một số địa phương còn không xử lý được trường hợp vi phạm nào, do đó, chưa có tác dụng ngăn chặn hành vi vi phạm về PCCC tại cơ sở, nâng cao ý thức tự giác PCCC của người dân. Từ đầu năm 2014 đến nay, CA các địa phương đã kiểm tra 734 lượt cơ sở, nhưng chỉ xử phạt 28 trường hợp vi phạm quy định về PCCC, phạt trên 46 triệu đồng.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao
Kết quả kiểm tra thực tế cũng cho thấy một bất cập khác: Hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến phương án PCCC theo sự phát triển của đô thị và quy hoạch cấp nước PCCC ở các khu, cụm công nghiệp. Thượng tá Chí nói: “Nhiều nơi nghe hỏi đến việc phát triển hệ thống nước chữa cháy cho đô thị đã ngớ ra vì “hồi giờ chưa nghe nói đến”, trong khi đây là điều rất cần khi xây dựng, phát triển đô thị. Có thị trấn chỉ lèo tèo 4-5 trụ nước PCCC nhưng không biết có nước hay không, và ai quản lý, vận hành. Hay tại thị xã An Nhơn có đến gần chục khu, cụm công nghiệp nhưng không có trụ nước cấp nước PCCC nào. Lãnh đạo địa phương nói việc PCCC là doanh nghiệp tự lo, nhưng doanh nghiệp chỉ tự lo cho mình, còn trách nhiệm quản lý chung cả cụm công nghiệp là phải của địa phương”.
Theo ước tính, hiện cả tỉnh có khoảng 40 chợ lớn, nhỏ, song chỉ 30% đáp ứng tương đối các yêu cầu về PCCC. Tại nhiều chợ, các hộ kinh doanh tự ý cơi nới, lấn chiếm đường đi lối lại, không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC cũng như lối thoát nạn, di chuyển tài sản và chống cháy lan.
Thực tế cho thấy, PCCC hiệu quả nhất vẫn là các địa phương phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Muốn vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc PCCC, huy động nguồn lực tại địa phương. Chẳng hạn, UBND xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) đã huy động nhân dân tham gia thành lập 1 đội PCCC tự quản tại Cảng cá Tam Quan Bắc, gồm 5 tổ, 60 người, trang bị cho mỗi tổ 1 máy bơm nước, 1 bình chữa cháy. Thượng tá Chí cho biết thêm: “Chúng tôi đã đề nghị UBND huyện Hoài Nhơn quan tâm đến công tác PCCC hơn nữa đối với khu vực cảng cá, cắt cử người ứng trực ban đêm, đồng thời vận động chủ tàu thuyền tự đầu tư trang bị dụng cụ PCCC trên tàu thuyền của họ”.
“Qua kiểm tra một số đơn vị, chúng tôi thấy nổi lên trường hợp Bar Royal (thuộc Công ty cổ phần Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh) và Bar Én Việt (thuộc DNTN TM Ba Miên) ở TP Quy Nhơn không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC. Bar được xây dựng ở tầng hầm, sử dụng nguồn điện công suất cao và các chất liệu dễ cháy như mút, xốp, nhưng hệ thống PCCC tại chỗ hầu như không có gì, lối thoát hiểm chật hẹp, nguy cơ cháy nổ cực kỳ cao. Nhưng hiện nay cách thức quản lý hoạt động của loại hình dịch vụ này lại chưa được quy định rõ ràng”.
Thượng tá Trần Xuân Chí, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CA tỉnh
THU HÀ