Xây dựng làng văn hóa sức khỏe:
Cần chú trọng thực chất
Chính thức triển khai từ năm 2003, chương trình xây dựng làng văn hóa sức khỏe (LVHSK) đã góp phần đẩy mạnh hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, cải thiện môi trường sống, hạn chế dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi công tác xây dựng LVHSK cần chú trọng nhiều hơn vào thực chất.
Tháng 1.2003, chương trình xây dựng LVHSK ra đời từ chương trình phối hợp hoạt động đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được ký kết giữa Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Nhiều chuyển biến
LVHSK là địa bàn dân cư có môi trường sống hợp vệ sinh, có tổ chức chăm lo sức khỏe tốt cho cộng đồng; các thành viên trong cộng đồng có ý thức và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực, có phong trào rèn luyện thân thể thường xuyên và lành mạnh. Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế, tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 75% số thôn, làng, khu phố được công nhận là LVHSK, 80% số hộ đạt danh hiệu gia đình sức khỏe.
Theo nhận định của Ban điều hành chương trình xây dựng LVHSK tỉnh, khi xây dựng được LVHSK, trước hết, tình trạng sức khỏe của người dân ở khu dân cư đó được cải thiện. Hơn nữa, nhiều địa phương cùng tổ chức xây dựng LVHSK với những hình thức đa dạng để bổ sung cho nhau, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Tại huyện Tuy Phước, trong thời gian qua, chương trình xây dựng LVHSK dần đi vào nền nếp với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, kết hợp nhiều hình thức: tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, tư vấn khám chữa một số bệnh thông thường, kiểm tra vệ sinh khu dân cư, khuyến cáo về một số bệnh dịch… Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Phạm Tích Hiếu cho rằng, điểm đáng chú ý là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn đường thôn, ngõ xóm sạch sẽ; thực hiện tốt nếp sống văn minh, hạn chế dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Đến cuối năm 2013, toàn huyện Tuy Phước có 82/101 thôn đạt LVHSK (chiếm 81,02%) và 37.667/43.672 hộ đạt gia đình sức khỏe (chiếm 86,25%). Tại xã Phước An, 10/10 thôn đủ tiêu chuẩn LVHSK, trên 85% số hộ đạt gia đình sức khỏe. “Phấn đấu đạt các tiêu chuẩn gia đình sức khỏe, LVHSK cũng là quá trình nỗ lực cải thiện sức khỏe cộng đồng. Đó là động lực chính khiến chương trình nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Phước An Huỳnh Tấn Dũng nhận định.
Hướng vào thực chất
Tuy đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chương trình xây dựng LVHSK vẫn đối mặt với nhiều trở ngại. Đầu tiên, kinh phí thực hiện chương trình còn hạn hẹp. Năm 2013, tỉnh cấp cho Sở Y tế 121,5 triệu đồng để triển khai chương trình. Trong năm này, huyện An Lão hỗ trợ 57 triệu đồng, huyện Vân Canh hỗ trợ 10 triệu đồng để thực hiện chương trình trên địa bàn. Ngoài ra, phần lớn các địa phương chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ tỉnh, nên công tác triển khai chương trình ở cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chương trình chưa thu hút được sự quan tâm và tham gia của các cấp chính quyền và người dân, chưa thật sự phát triển bền vững. Tại huyện Vân Canh, có đến 3 xã Canh Vinh, Canh Hiển và Canh Liên chưa có thôn, làng nào đạt danh hiệu LVHSK. Ở một số huyện, có 3 tiêu chuẩn đạt thấp là tiêu chuẩn 2, 7, 9 (giảm tỉ lệ mắc và chết một số bệnh truyền nhiễm, tỉ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, giảm các trường hợp bị tai nạn thương tích).
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn Phạm Văn Trung, xây dựng LVHSK không thể là “chuyện riêng” của ngành Y tế. Các ban, ngành, đoàn thể liên quan cần phối hợp với ngành Y tế xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động cụ thể. “Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, từng gia đình và mỗi người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc xây dựng LVHSK, gia đình sức khỏe”, ông Trung nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phan Văn Hớn, Phó Ban điều hành Chương trình xây dựng LVHSK tỉnh, cho rằng để chương trình xây dựng LVHSK ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và duy trì bền vững, ban điều hành cấp huyện cần đưa chỉ tiêu xây dựng LVHSK, gia đình sức khỏe vào nghị quyết của cấp ủy đảng, chính quyền; lồng ghép hoạt động chương trình trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong công tác tuyên truyền, cần tập trung vào các hình thức truyền thông nhóm tại cộng đồng, lồng ghép trong cuộc họp với các hội, đoàn thể, quân dân chính.
“Ban điều hành cơ sở cũng cần được “tiếp sức” để triển khai nhiều hoạt động thiết thực tại cộng đồng, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện tiêu chuẩn 2, 7, 9 hiện rất khó đạt”, ông Hớn cho biết.
NGUYỄN VĂN TRANG