Dạy nghề tại vùng cao Bók Tới
Lần đầu tiên Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp (GDTX-HN) huyện đưa nghề may lên dạy cho người dân vùng cao xã Bók Tới, với mong muốn nhiều người có nghề, có việc làm ổn định để từng bước thoát nghèo bền vững.
Bók Tới xã là vùng cao nằm ở phía Tây Nam huyện Hoài Ân, cách trung tâm huyện khoảng 30km. Toàn xã có 419 hộ dân với 1.672 nhân khẩu, chia thành 5 thôn nằm cách nhau từ 2-3km, bao gồm 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Bana chiếm 95%. Người dân sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo ở xã còn khá cao chiếm 41%, hộ cận nghèo chiếm 55%.
Ông Lê Văn Nam, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, cho hay: Năm nay huyện được phân bổ 300 triệu đồng để đào tạo 350 chỉ tiêu nghề phi nông nghiệp. Đa số các nghề đào tạo phải tổ chức dạy lưu động tại các xã vùng cao nên kinh phí không đủ để tổ chức lớp cũng như hỗ trợ cho người học. Riêng với xã Bók Tới, đây là lần đầu tiên đưa nghề phi nông nghiệp lên tận nơi để dạy cho người dân với mong muốn giúp người dân có việc làm ổn định để thoát nghèo bền vững”.
Theo ông Lê Văn Nam, trước khi tổ chức lớp học đơn vị đã khảo sát và nhận thấy lao động ở Bók Tới có nhu cầu học nghề may nên quyết định tổ chức một lớp may thời trang tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã. Lớp chỉ đủ máy cho 35 học viên thực hành nhưng có đến 37 lao động đăng ký nên phải tổ chức dạy 2 ca/ngày. Song song với việc dạy nghề, Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng liên hệ với Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định tổ chức phiên giao dịch việc làm tại xã Bók Tới để các doanh nghiệp tuyên truyền các chính sách học nghề, việc làm, nhất là xuất khẩu lao động cho người dân.
Ông Lê Ngọc Nghĩa, Giám đốc Trung tâm GDTX-HN huyện Hoài Ân, chia sẻ: “Dạy nghề cho nông dân miền xuôi đã khó khăn, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn khó khăn gấp nhiều lần. Do vậy, nếu không có quyết tâm thì khó mà thực hiện được”.
Ngoài số máy may được chở lên trực tiếp tại xã Bók Tới, Trung tâm GDTX-HN huyện Hoài Ân còn cử hai cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hoa và Nguyễn Thị Thùy Trang lên đứng lớp. Cô Nguyễn Thị Hồng Hoa tâm sự: “Số lao động học nghề hầu hết là người dân tộc thiểu số, do đó phương pháp dạy nghề cũng khác với dạy ở miền xuôi, phải chỉ dạy tỉ mỉ người học mới nắm bắt được”.
Từ ngày khai giảng lớp học đến nay đã gần 2 tháng nhưng chị Đinh Thị Lứa, 20 tuổi, ở thôn 6, chưa vắng mặt buổi học nào, dù thời điểm này nhiều chủ rừng thuê đi phát cỏ rừng keo lai. Chị Lứa cho biết: “Mình muốn học nghề để đi làm nghề, chứ lâu nay cứ quanh quẩn trong làng với cái rựa, cái cuốc cuộc sống khó khăn lắm. Học xong nghề mình sẽ rủ các bạn xuống huyện xin làm công nhân may Công ty cổ phần may Hoài Ân”.
Chị Đinh Thị Cách, 24 tuổi, ở thôn 6, tâm sự: “Những ngày đầu tiếp xúc với cái kim, sợi chỉ do không quen nên đường may chạy lòng vòng, nhờ được giáo viên kèm cặp kĩ nên đường may đã thẳng, giờ đã biết may phần cổ và tay áo nên rất vui. Tôi sẽ quyết tâm học thật tốt để ra nghề đi làm công nhân”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang cho hay: “Theo chính sách, những lao động là người dân tộc thiểu số học nghề mỗi ngày được hỗ trợ 15.000 đồng, trong khi đi làm cỏ, phát chồi keo tiền công 120 - 130 ngàn đồng/ngày nhưng họ vẫn đến lớp học đầy đủ, quyết tâm học thành nghề để đi làm công nhân. Đây là thành công của lớp may lần đầu tiên được tổ chức tại xã Bók Tới”.
Theo ông Đinh Văn Nghin, Chủ tịch UBND xã Bók Tới, việc dạy nghề cho người dân vùng cao là rất cần thiết, đây cũng là một giải pháp quan trọng để xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới địa phương sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện khảo sát, lựa chọn thật kỹ những ngành, nghề phù hợp để tiếp tục đưa về dạy cho người dân xã Bók Tới, giúp người dân có việc làm ổn định, từng bước thoát nghèo.
NGUYỄN PHÚC