Điểm thêm sắc cho áo
Sở hữu một chiếc áo đẹp, với nhiều phụ nữ, chỉ thợ cắt khéo chưa đủ mà cần thêm những phụ liệu trang trí khác, để tôn thêm vẻ đẹp của áo cũng như người mặc.
Thợ “độc”
Hiện nay, không ít cô dâu khi đặt may áo dài cưới thường đặt luôn khăn đóng để kỷ niệm sự kiện đáng nhớ nhất trong đời. Tôi hỏi chị chủ tiệm may áo dài Kim Ngân (đường Trần Cao Vân) ai là người làm khăn đóng đẹp nhất ở Quy Nhơn. Chị chỉ đường cho tôi và nói ngay: “Hầu như các tiệm áo dài ở đây đều đặt một chỗ ấy thôi”.
Đó là địa chỉ 15/9 đường Hai Bà Trưng của anh Nguyễn Cao Thiên, 43 tuổi đời với 20 tuổi nghề làm khăn đóng từ cha truyền lại. Anh Thiên tâm sự: “Hồi đó, ba tôi làm khăn đóng chủ yếu cho nam giới. Nay, tôi làm chủ yếu cho phái nữ, khăn đóng cho cô dâu và khăn đóng cho trang phục dạ hội. Cái khăn đóng to nhất hồi giờ tôi làm đường kính khoảng 80cm, quấn đến 79 vòng, để đi thi hoa hậu”.
Làm lâu năm, kinh nghiệm nhiều nên anh Thiên quấn khăn đóng rất nhanh, đều và chặt tay nên được các thợ may tín nhiệm. Anh còn được các thợ may ngoài tỉnh đặt hàng, thậm chí còn đặt làm để mang sang cả Pháp, Mỹ. Trung bình mỗi tháng anh Thiên quấn khoảng 60-70 khăn, bình quân 150-200.000đồng/cái, theo chất liệu và số tầng. Tầng càng nhiều thì giá càng cao, làm bằng xốp thì mắc hơn làm bằng giấy. Ngoài làm cho các tiệm áo dài, anh Thiên cũng nhận làm cho khách đến đặt trực tiếp.
Chị Thái An, mở tiệm may áo dài ở phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nhận xét: “Hồi ở Quy Nhơn tôi đã nhờ anh Thiên làm khăn đóng rồi. Giờ chuyển vào trong này sinh sống, mở tiệm, tuy thợ cũng có, nhưng tôi vẫn thích khăn đóng anh Thiên làm hơn: sắc sảo, chắc chắn nhưng đội lên rất nhẹ. Chỉ cần tôi gọi điện, dặn làm khăn bao nhiêu tầng, màu gì là anh ấy làm ngay. Xong có người nhà đến lấy, rồi gửi theo xe vào. Khách hàng ở Sài Gòn ưng lắm, người nọ truyền tai người kia”.
Mới từ TP Hồ Chí Minh chuyển về Quy Nhơn sinh sống chưa được bao lâu, nhưng gần một năm nay anh Hòa (hiện ở số 8/13 Võ Văn Dũng) đã có một số mối quen và khách hàng đáng kể, chuyên đặt anh vẽ hoặc trang trí họa tiết lên váy đầm, áo dài truyền thống hay áo dài dạ hội. “Chủ yếu là khách quen ở các tiệm cho thuê đồ cưới, rồi thí sinh dự thi thanh lịch hay người đẹp võ thuật. Tôi làm quy mô nhỏ, nhà trong hẻm nên chưa muốn rình rang lên báo làm gì”- anh Hòa khiêm tốn và từ chối nói nhiều về mình.
Trước, anh học vẽ ở Sài Gòn, sau thấy nghề vẽ tranh trên áo có tiềm năng nên mày mò tự tìm hiểu rồi chuyển qua. Hồi ở Sài Gòn, anh chuyên vẽ áo dài sỉ, bỏ mối bán cho các chợ nên cần người phụ để lên sườn cho hoa văn, còn mình chỉ tô điểm thêm cho hoàn thiện. Nhưng vì lý do gia đình, anh về lại Quy Nhơn sinh sống, tiếp tục với nghề. “Hiện tôi chỉ làm một mình. Không làm nhiều mà vẽ từng cái một, nên cũng phát huy khả năng sáng tạo và ít đụng hàng. Hóa chất tôi mua ở Sài Gòn, sau đó pha thêm các phụ gia vào để vẽ cho mềm và giặt không phai màu”, anh Hòa cho biết thêm.
Tiền công vẽ áo tùy theo mẫu và yêu cầu của khách. Nếu chỉ vẽ hoa nhỏ trên cổ áo giá vài chục ngàn đồng; vẽ hoa trên thân váy hoặc thêm phía sau nữa, giá từ 200 ngàn đồng trở lên. Riêng với áo dài, anh Hòa lấy tiền công từ 100 ngàn đến cả triệu đồng một chiếc, tùy chi tiết và độ cầu kỳ của áo.
Thời trang và độc đáo
Chị Nguyễn Thị Việt Hà 42 tuổi, làm việc trong ngành kinh doanh, hiện đã sở hữu trên chục chiếc váy toàn hàng vẽ. “Tôi lên các mạng thời trang, thấy kiểu hoa văn nào đẹp, lạ mắt là đặt anh Hòa vẽ theo. Mỗi chiếc váy, tính cả tiền vải, công may, tiền vẽ dao động từ 550 -750 ngàn đồng, nhưng quan trọng là mình thích.”- chị Hà chia sẻ. Mới rồi, chị Hà đã đặt hàng Sài Gòn in phong cảnh mùa thu Châu Âu theo mẫu trên mạng để may áo khoác.
Độc đáo, không đụng hàng là tiêu chí thời trang mà không ít chị em phụ nữ theo đuổi khi mua sắm trang phục. Người có điều kiện kinh tế, yêu thích thời trang dễ theo đuổi được điều này. Nhưng ngay người không có điều kiện cũng có thể tạo cho mình một “gu” thẩm mỹ hợp thời trang, bằng cách khéo léo kết hợp trang phục theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Chị Minh Như, 35 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Thái Học, là người trong số này. Nhìn cách chị phục sức lẫn các mẫu áo chị mặc, nhiều người lầm tưởng là hàng hiệu, nhưng thực ra chỉ là “made in hàng chợ” hay hàng second-hand. “Nhiều món đồ chỉ cần biến tấu đi một chút, hoặc biết phối màu, kết hợp với những phụ liệu đi kèm, trông sẽ khác ngay”- chị Như chia sẻ kinh nghiệm. “Chỉ cần mình để ý, tham khảo thêm thông tin về thời trang là được. Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp thôi”- chị Như cười.
ANH THƯ