Nhức nhối nỗi đau bạo hành
“Đừng vung tay, hãy cầm tay” là thông điệp, khẩu hiệu Chiến dịch quốc gia “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” của Việt Nam hưởng ứng Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25.11). Mỗi năm, ngày 25.11 đến, nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng những người phụ nữ, những trẻ em gái trong gia đình, trên thế giới này.
1. Nhà cụ Phạm Thị Giàu (84 tuổi) nằm ở cuối xóm Lộc Đông, thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Căn nhà nhỏ ở làng quê này từ lâu chẳng yên bình, bởi bà Giàu và con gái Đặng Thị Rớt (51 tuổi) phải chịu đựng thói bạo tàn của người chồng chị Rớt là Nguyễn Văn Sanh (58 tuổi).
Kể về trận đòn gần đây nhất, cụ Giàu chưa hết hoảng sợ. Chiều 11.11, cụ đang nằm trên chiếc võng trong nhà thì nghe tiếng chửi rủa inh ỏi của Sanh. Nghĩ Sanh lại say xỉn như bao ngày nên cụ Giàu nhẹ giọng: “Mày nhậu say rồi thì đi ngủ đi. Tí nữa con Rớt về nấu cơm rồi ăn”. Cụ Giàu vừa nói dứt câu, Sanh liền chửi rủa: “Ủa, tôi tìm con Rớt chứ có tìm bà đâu mà bà lên tiếng. Nó đi đâu rồi hay là nó sợ tôi đánh nên không dám gặp”.
Lời qua tiếng lại, cụ Giàu chịu không nổi những lời nặng nề nên thút thít khóc. Sanh liền cầm chiếc máy quạt dựng cạnh bên đập vào chân cụ Giàu. Thấy mẹ vợ kêu la vì đau, Sanh vẫn không buông tha, vớ lấy khung hình đang treo trên tường đập vào người cụ Giàu, nhưng trong cơn say hắn chỉ đánh trúng tay cụ. Chưa hết, khi cụ Giàu bò ra trước nhà kêu cứu, Sanh liền bóp miệng cụ lại, bưng chậu nước ở phía trước nhà đổ lên người cụ, rồi lấy khúc cây đánh vào lưng khiến cụ bất tỉnh.
Bà Rớt và con trai về nhà đưa cụ Giàu đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước trong tình trạng đa chấn thương do bị đánh đập nhiều chỗ. Bà Rớt cho biết, trong 2 năm gần đây, đã ít nhất 5 lần Sanh chửi mắng, đánh đập cụ Giàu. Còn việc Sanh nhậu nhẹt rồi đánh đập vợ xảy ra như cơm bữa. Bà Rớt ngậm ngùi: “Chiều nào đi làm về ổng cũng nhậu. Về tới nhà, thấy tôi là ổng lôi ra đánh. Bữa nào tôi không có việc gì thì chạy trốn sang nhà hàng xóm mới thoát nạn. Cách đây mấy tháng, ổng nhậu say bí tỉ rồi về lấy chiếc dằm bổ vào lưng làm tôi phải nhập viện nửa tháng, đến nay lưng tôi vẫn còn đau”.
2. Chị N.T.C, thành viên CLB phòng chống bạo lực gia đình ở huyện Phù Cát từng kể về một trường hợp bạo lực gia đình khá hiếm hoi ở địa phương, khiến cho CLB này gặp không ít khó khăn, lúng túng trong cách xử lý, hỗ trợ cho nạn nhân. Số là, ông bà X. đều ở tuổi thất thập cổ lai hy. Con cái tuy ra ở riêng nhưng vẫn sống quanh quẩn trong thôn, có thể chạy về đỡ đần, chăm nom cha mẹ lúc mùa màng thu hoạch, khi trái gió trở trời. Cả đời làm lụng vất vả, tưởng về già được nhàn, cụ bà đâu ngờ ông lại giở chứng “dê xồm”. Cũng may là chẳng “dê” ai, chỉ nhè “dê” vợ. Nhưng như thế cũng đủ làm bà khổ tâm, xấu hổ vô cùng, chẳng biết mở lời với ai, ngay cả con gái ruột.
Thực tế là ở tuổi trên 70, bà không còn khả năng để cùng ông chuyện chăn gối. Nhu cầu sinh lý của ông càng rõ ràng, quyết liệt và trở nên hung bạo mỗi khi ông có chén. Bà tìm mọi cách để vắng nhà, tránh né ông: chăm chỉ việc đồng áng hơn, thường xuyên sang thăm chơi nhà con cháu, ở nhà hàng xóm nhiều hơn nhà mình… Nhưng, thỉnh thoảng, những người láng giềng, con cháu vẫn nhận ra bà bị ông “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Lý do “bị đòn” bà đưa ra là vì lúc ông say mà bà ăn nói hỗn hào, vì bà cơm nước không chu đáo, vì bà lễnh lãng đi chợ quên mất những thứ ông dặn mua. Nguyên nhân thật sự vẫn chỉ mình bà biết, âm thầm chịu đựng.
Nỗi khổ của bà chỉ được một số ít người trong CLB và con cháu trong gia đình biết khi ở địa phương cũng có một trường hợp người vợ bị bạo lực tình dục, bạo lực thể xác tương tự (cặp vợ chồng này tuổi trung niên) và được CLB hỗ trợ, can thiệp thành công. Có lẽ vì nhìn thấy hiệu quả của mô hình mà bà cụ chủ động đến gặp chị C., ngại ngần kể chuyện khó nói ở gia đình mình. CLB đã bàn bạc, thống nhất về hướng hỗ trợ: vừa thông báo cho các con, cháu gái của ông bà biết để cận kề, chia sẻ với bà; phần ông cụ thì nhờ con cháu trai, hội người cao tuổi, những cán bộ nam có uy tín ở địa phương giải thích để ông hiểu, thậm chí nói chuyện với ông bằng luật pháp, rằng nếu ông không thể sống với bà bằng tình nghĩa thì ở tuổi đó, bà vẫn cương quyết ra tòa ly hôn. Nếu ông còn tái diễn hành vi bạo lực thì sẽ bị đưa ra họp dân để phê bình, xử lý.
“CLB và gia đình cũng đã tính đến việc, nếu những biện pháp trên vẫn chưa hiệu quả, sẽ đưa ông đến cơ sở y tế, gặp bác sĩ tâm lý khám, chữa “bệnh” cho ông, để có hướng xử lý tiếp theo. Cũng may là trường hợp này chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, giải thích là “khỏi bệnh”. Với những trường hợp “đặc biệt” như vậy thì cách can thiệp phải vừa thật mềm mỏng, khéo léo, tế nhị nhưng cũng phải đủ độ kiên quyết”, chị C. kể.
***
Cuộc sống ngày càng tiến bộ, sự công bằng và bình đẳng trong mỗi gia đình ngày càng được coi trọng. Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều mái nhà chẳng thể nào yên ấm khi thói bạo hành vẫn hiện hữu, nhức nhối. Khi những nạn nhân không đủ sức tự vệ, rất cần sự chung tay của người thân, cộng đồng.
MAI LÂM - PHONG NGUYÊN