Đám tang nhà giàu
* Truyện ngắn của ĐOÀN THỊ MINH HIỆP
Lông Mi Dài vừa đi làm về tới nhà, một tay còn đang cúi xuống gỡ giày, tay kia cầm mũ bảo hiểm chưa kịp cất thì Mỏ Nhọn đã đứng sau lưng từ khi nào hồ hởi thông báo:
Này chị, đã đến nhà Phú Quý chưa?
Đến làm gì thế?
Trời, cán bộ quan liêu quá, bà con chòm xóm có người mất cũng chẳng hay biết là sao?
Chú nói bậy gì thế! Sáng tôi đi làm trưa mới về tới nhà nuốt vội chén cơm, chiều về thì tối còn phải đi họp hội hè… Dạo này quy hoạch đất đai rần rần biết bao nhiêu sự vụ kiện cáo… Có phải là không quan tâm bà con đâu! Mà nhà Phú Quý có ai mới chết vậy?
Ừ thì… ông cụ Năm cha của Phú Quý chứ còn ai nữa. Nói thì nói vậy chứ có trách gì chị đâu. Bình thường chòm xóm có người mất thì Mồm To đã báo cho Bà Tám, thế là cả làng biết hết sau chưa đầy một giờ, có cần Mỏ Nhọn này loan báo đâu!
Ừ nhỉ! Mà chết từ bao giờ sao không nghe khua nhạc, kèn trống gì hết chú?
Chết chiều hôm qua, nhưng ông cụ trước khi chết dặn không cho đờn nhạc vì muốn được yên tịnh, đợi liệm rồi qua ngày sau con cháu làm gì thì làm. Sáng giờ cũng chỉ mới hai hồi kèn, định là chiều mai mới chôn… Chị xuống nhé, tôi còn đi báo người khác.
Lông Mi Dài ừ vội để Mỏ Nhọn còn đi báo tin. Nhà Phú Quý đại giàu, giàu nhất xóm. Thường thì khi sống người ta chỉ dè bĩu trong im lặng, nhưng cứ chết đi là bao nhiêu chuyện dù tốt dù xấu cũng moi ra bàn tán hết. Mà đại thể hình như đám nào cũng vậy, chẳng mấy khi có dịp tụ họp chòm xóm đông đảo vậy.
Ông cụ Năm hồi trước cũng từng bon chen trong chiến trường làm tay sai cho địch, chỉ điểm cách mạng. Sau một lần bom đạn nổ rền trên sườn đồi, vợ ông chết tan xác, để lại ông với 4 người con. Bà con trong xóm thương tình cũng kéo nhau đi tìm từng mảnh xác vợ ông về mà chôn. Từ đó ông giã từ cái thế giới hỗn tạp mà chỉ làm khuân vác, chạy xe, đánh bắt cá kiếm sống. Cũng từ dạo ấy ông ít nói hẳn, sống lầm lụi. Cô con gái đầu, mụn con gái duy nhất phát hoảng sau cái mất của mẹ mà trở nên thơ thẩn. Trong một lần ông Năm nổi nóng đánh ông Phú Quý, chị nhào vào can và hứng ngay một cái xẻng xúc cát ngất xỉu, rồi từ đó ngây dại. Ông Năm từ đó bệnh càng trở nặng, lúc nhớ lúc quên.
Ba cậu con trai được cái tài “làm gian thương khéo”, một kiểu kiếm lời bất chấp đạo lý trong thương mại: Mua một, pha trộn chế biến thành mười! Rồi ba anh em cũng lập gia đình, giàu lên, mà giàu nhất vẫn là ông Phú Quý. Ông Phú Quý giàu có nhưng keo kiệt, đặc biệt là rất biết cách keo, chỉ keo với “đội hình nhậu” thôi, chứ “bỏ con tép bắt con tôm” hay đi với mấy cô chân dài thì ông chẳng tiếc. Còn với vợ, ông thương lắm, giành việc đi chợ luôn! Bà vợ chẳng phải khổ sở mà đếm tiền hay cân nhắc chi tiêu, chỉ lo ở nhà dọn dẹp và nấu nướng, chẳng biết mặt mũi đồng tiền ngang hay dọc. Còn ơn nghĩa với làng xóm ông chẳng bỏ sót cái nào, tiệc tùng nào ông cũng đi đầy đủ, đến trễ thì cáo lỗi hẳn hoi. Vậy nên bà con làng xóm cũng không ghét bỏ ông được. Chỉ mỗi cái “đội hình nhậu”, cái đội hình làm chân tay bốc vác ngồi bên hiên nhà ông đợi việc, mới bảo ông “ki bo” thế thôi…
Đám tang nhà giàu có khác, cả đội nhạc cũng mang lễ phục, nhà cửa cổng ngõ treo đầy cờ, thầy liệm thầy khấn đông hơn cả con trong nhà, sắc vàng sắc trắng rực cả lên! Tối đó Lông Mi Dài mới thấy được cái đám tang nhà giàu đúng nghĩa kể từ cái hồi nó sinh ra, đến khi đi học rồi về làng làm việc được năm nay. Con cháu ông cụ Năm đông lắm, về rất nhiều. Lông Mi Dài không đếm hết được lượt người đến viếng, hết ông Phú Quý đến hai em phải thay nhau vái tạ. Nhạc kèn thổi liên hồi đến mãi gần 1 giờ sáng mới nghỉ.
Tiệc đãi kỹ lắm, hơn 10 bàn cơ đấy, món đãi hơn cả tiệc giỗ, tiệc cưới. Con cháu đông nhưng bận tiếp khách và khóc nên họ thuê cả một đội người nấu, phục vụ và sai vặt, đến 1 giờ chiều đã tập tành chuẩn bị khuân hòm. Mồm To nói cặn kẽ: “Đúng ra là có đội khuân hòm, quan quân mũ mão đầy đủ, ông Phú Quý đã sắp xếp cả đấy nhưng khu vực trưởng can. Ông khu vực trưởng bảo sống khôn thác thiêng, chết được bà con đưa tiễn mới có tình làng nghĩa xóm. Lần đầu thấy khu vực trưởng nói chí phải!”. Nói xong Mồm To vỗ vào đùi mình cười tâm đắc. Mỏ Nhọn xía vào: “Phải chứ không à! Thế ông Phú Quý thuê, rồi bà con chòm xóm sau này “tang gia bối rối”, mình còn nghèo khó kiếm đâu ra người khuân hộ? Thế ông nghĩ ai cũng bỏ tiền ra thuê được à?”… Lúc chiều mẹ có bảo, ba anh em nhà Phú Quý mua một lô đất cao trên núi ấy, cũng thuộc khu nghĩa địa nhưng là đất của người dân, người ta dỡ rẫy bán. Giờ thì cụ Năm nằm cao nhất nhìn xuống cả khu nghĩa trang ấy chứ. Định là xây hẳn mộ như cái nhà, con cháu đông đến viếng lễ cũng chẳng phải lụp xụp có chỗ mà vái, có chỗ trú mưa trú nắng. Chu tất lắm, cũng phải làm thế chứ một mình ông cụ gà trống nuôi con mà. Tội cô con gái bị bệnh tâm thần, cha chết rồi mà nó vẫn ngồi miết trước nhà đợi ông khi chiều về tắm cho nó, thấy mà thương! Bà Tám bảo: “Nói sợ mang tiếng ác chứ, nó còn sống lâu thì cũng tội tấm thân nó thôi, ai mà chịu thương chịu khó với nó như vậy nữa!”.
Đám tang qua đã 3 ngày, bà con cũng thôi bàn tán. Nhà ông cụ sau lễ an táng thì lại “vũ như cẩn”, con cháu đâu lại về đấy, mọi thứ như chưa từng có gì thay đổi. Sáng nay, ông Phú Quý vẫn tập thể dục, ông mời cả 7 bà cùng hay tập thể dục cà phê buổi sáng như thường lệ. Các bà ái ngại vì cha ông mới mất nên từ chối, ông đưa đẩy: “Hẹn mấy chị tuần sau nhé!”. Lông Mi Dài nghe chuyện mà ngơ ngẩn, nghĩ đến đám tang cụ cố Hồng mà gia đình ông bà Văn Minh lo liệu trong truyện của Vũ Trọng Phụng. Chẳng biết nó nghĩ gì mà lặng lẽ về thắp trên bàn thờ ông nội nén hương với nét mặt ngậm ngùi…
Đ.T.M.H