Nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy võ cổ truyền Bình Định
Cuối năm 2012, võ cổ truyền (VCT) Bình Định được tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó đến nay, VCT Bình Định tiếp tục được quan tâm gìn giữ. Tuy nhiên, để VCT Bình Định được bảo tồn, phát huy tốt, công tác này cần được quan tâm nhiều hơn, cụ thể hóa các nội dung đã đề ra.
1. Để bảo tồn và vinh danh VCT Bình Định nói riêng và VCT Việt Nam nói chung, Tỉnh ủy đã chỉ đạo và kết luận cụ thể về bảo tồn và phát huy VCT Bình Định phục vụ du lịch đến năm 2015. UBND tỉnh cũng có quyết định số 67 ngày 6.12.2012 chỉ đạo các ngành các cấp, các đoàn thể thực hiện kết luận trên bằng những công việc cụ thể. Ngành VH-TT&DL phối hợp với ngành GD&ĐT đưa VCT vào trường học. Trước mắt, xây dựng chương trình ngoại khóa, dần đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa khi có giáo án, giáo trình giảng dạy thống nhất. Ngành VH-TT &DL phối hợp với các ngành, huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ xây dựng các lò võ. Giai đoạn đầu tập trung một số võ đường lớn ở Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, thuận lợi cho tham quan, du lịch và sẵn sàng truyền dạy cho khách du lịch có nhu cầu. Đồng thời, đầu tư hàng năm cho các võ đường tổ chức tốt các điều kiện dạy võ sinh, vận động nhân dân tham gia xây dựng võ đường theo đúng định hướng.
Xây dựng lực lượng võ sư, huấn luyện viên, giáo viên đủ trình độ truyền dạy cho thanh, thiếu niên, ngay cả các võ sư, võ sinh ở nước ngoài khi có yêu cầu; thu hút nhiều người tập võ để nâng cao sức khỏe, tự vệ và tham gia các giải VCT của tỉnh. Trung tâm VCT Bình Định tập trung nghiên cứu khoa học về các bài võ, các trường phái võ để giảng dạy và nâng cao đội ngũ võ sư, chuẩn võ sư, huấn luyện viên theo quy chế của Liên đoàn VCT Việt Nam. Nâng cao trình độ VĐV có năng khiếu để đưa vào đội tuyển tham dự các giải đấu lớn của khu vực, quốc gia và quốc tế. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 lò VCT (võ đường) thường xuyên hoạt động, có 59 võ sư, 47 chuẩn võ sư và 233 huấn luyện viên tham gia truyền dạy. Hằng năm, các VĐV đội tuyển VCT Bình Định đoạt từ 80-100 huy chương các loại trong thi đấu cấp quốc gia và khu vực.
Tiếp tục đưa các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào luyện tập ở các lò võ, các dòng võ, các phái võ trong tỉnh, nhằm bảo tồn các bài võ đã được Hội đồng khoa học của tỉnh công nhận. Tổ chức các hội thảo khoa học để đi đến thống nhất về kỹ thuật đi đôi với lời thiệu, thống nhất các bài thiệu để làm cơ sở cho tập luyện.
2. Trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần tiếp tục quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, chương trình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực; tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên tỉnh nhà đều học và biết ít nhất một bài võ, thuộc bài võ có lời thiệu để tập thường xuyên. Các trường học, phường, xã, thị trấn phải có câu lạc bộ VCT, có cơ sở vật chất (sân bãi theo yêu cầu) để thu hút người tập luyện. Các cấp quản lí tăng cường công tác kiểm tra và thường xuyên tổ chức giao lưu để câu lạc bộ có điều kiện tập trung nâng cao năng lực tổ chức và năng lực chuyên môn cho các võ sinh, công nhận đẳng cấp theo quy định, quy chế của Liên đoàn VCT Việt Nam (có tổ chức kiểm tra theo quy định).
Thực hiện chính sách Nhà nước và nhân dân cùng làm theo tinh thần Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa TDTT. Trước mắt, Nhà nước cần đầu tư cơ sở vật chất cho các câu lạc bộ VCT ở các xã, phường, thị trấn đến cấp huyện để nhân dân có địa điểm tham gia tập luyện. Sau đó, cá nhân tự xây dựng câu lạc bộ, hoặc võ đường cho cá nhân và dòng họ, hoặc làng võ để tạo không gian văn hóa võ lan tỏa một cách tốt nhất.
Công tác bảo tồn và phát triển VCT Bình Định hiện nay là vô cùng quan trọng và cấp bách, bởi nhiều võ sư, võ nhân đã lớn tuổi đang nắm và am hiểu nhiều bài võ hơn lớp võ sư trẻ. Dòng họ Trương ở Phù Mỹ đang lưu giữ 17 bài thiệu VCT, dòng họ Phan ở Tây Sơn lưu giữ 19 bài thiệu, ông Hồ Hoành ở Hoài Nhơn để lại cho con cháu 16 bài thiệu tất cả bằng chữ Nôm và chữ Hán.
Tính đến nay, Liên đoàn Võ thuật Bình Định đã thu thập được 144 bài võ có lời thiệu do các võ sư cung cấp (dựa theo tài liệu trong dân và một số võ đường) gồm có 40 bài quyền, 23 bài roi, 17 bài kiếm, 64 bài về thương, đại đao, phủ, lăn khiên, cung tên. Cần sớm có hội thảo chung và riêng cho từng chuyên đề về quyền và các môn binh khí để các võ sư, huấn luyện viên cùng trao đổi và nắm bắt qua thị phạm, băng hình. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ và tài trợ để có thêm điều kiện cho việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng cụ thể đối với từng bài võ đặc sắc hiện có.
Đinh Khắc Diện