Hoài Sơn: Hiệu quả từ kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi
Hoài Sơn là xã miền núi của huyện Hoài Nhơn, có diện tích đất rừng hơn 3.000 ha. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo để nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng, đưa kinh tế đồi rừng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Những năm qua, từ sự nỗ lực của chính quyền xã cộng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân Hoài Sơn đã thấy được giá trị kinh tế từ rừng mang lại. Do đó, những đồi núi trọc trước đây đã dần được thay bởi màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng nguyên liệu giấy và các loại cây ngắn ngày như chuối, mì... Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng xây dựng gia trại, trang trại chăn nuôi bò quy mô từ 20 đến 30 con, kết hợp với thâm canh rừng trồng, mang lại hiệu quả cao, có mức thu nhập từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/năm.
Hiện tổng đàn gia súc của xã có hơn 4.500 con, 10 trang trại và 20 gia trại nông - lâm kết hợp, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động tại địa phương. Tiêu biểu trong số hàng trăm hộ dân ở xã Hoài Sơn có thu nhập cao từ nghề trồng rừng kết hợp với chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm là ông Phan Đình Thương, ở thôn An Hội Bắc. Ông cho biết: “Gia đình tôi trồng được hơn 7 ha rừng keo lai, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng cứ sau mỗi chu kỳ khai thác (khoảng 5 năm), chưa kể các khoản thu nhập khác từ cây trồng ngắn ngày như đậu, bắp, mì...”. Từ một gia đình nghèo khó, giờ đây gia đình ông Thương đã có của ăn của để, xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Còn gia đình của ông Lê Văn Bê, ở thôn La Vuông, ngoài 6 ha rừng nguyên liệu giấy và chăm sóc 2 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, ông còn kết hợp chăn nuôi 10 con bò thịt, 4 bò sinh sản, hàng trăm gà thả vườn… hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng.
Để việc phát triển kinh tế rừng đạt kết quả, xã Hoài Sơn đã thực hiện nhiều biện pháp như: giao đất lâm nghiệp cho các hộ nông dân quản lý và canh tác, khai thác tốt các nguồn vốn để đầu tư trồng rừng; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trồng rừng như KFW6 và rừng thương mại, vận động nhân dân phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tích cực trồng rừng sản xuất kết hợp với khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Đình Bản, Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, cho biết: Bên cạnh việc tạo điều kiện cho nhân dân trồng rừng và chăn nuôi đạt hiệu quả, xã cũng đã chú trọng triển khai, vận động người dân tích cực tham gia Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ, bước đầu đã triển khai thực hiện gần 150 ha.
Có thể khẳng định hiệu quả từ kinh tế đồi rừng ở xã Hoài Sơn không những góp phần nâng cao đời sống của người dân mà còn giúp bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và bền vững.
BẢO SƯƠNG - VĂN PHƯƠNG