Trò chuyện với những “vị cứu tinh trên biển”
Ra khơi bám biển làm ăn, mỗi khi gặp hoạn nạn, rủi ro, ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân Bình Định nói riêng luôn xem những sĩ quan, thuyền viên trên các tàu tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II (Danang MRCC) trong đó có tàu SAR 412 là những “vị cứu tinh trên biển”.
Trong những ngày giữa tháng 11.2014 sau khi cứu nạn và lai dắt hai tàu cá của Quảng Ngãi và Quảng Nam, với 42 ngư dân cập cảng Hải đoàn biên phòng 48 (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) an toàn, do đang thời điểm biển động mạnh, tàu SAR 412 nhận lệnh tiếp tục trực tìm kiếm cứu nạn thêm 10 ngày tại vùng biển Quy Nhơn.
Nhận lệnh là lên đường
Nhờ tàu thường xuyên cập cảng Quy Nhơn, chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các sĩ quan, thuyền viên trên tàu SAR 412. Nhờ vậy mà được hiểu thêm khá nhiều về cuộc sống, sinh hoạt và nhiệm vụ của các anh.
Thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 412 Phan Xuân Sơn tâm sự: “Thời điểm này, đang là mùa biển động nên sĩ quan, thuyền viên của tàu luôn trong tư thế sẵn sàng. Tàu luôn có cán bộ trực 24/24h để tiếp nhận thông tin cần được giúp đỡ, cứu hộ của tàu bè, ngư dân khi đánh bắt ngoài khơi nếu không may gặp nạn. Bất kể ngày đêm, lúc biển lặng hay khi sóng to gió lớn, mỗi khi nhận được lệnh là lập tức lên đường”.
Là người có 30 năm gắn bó với những con tàu viễn dương, trong đó đảm nhận chức thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 412 được 9 năm, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn kể, lên tàu là mọi công việc trên tàu đều làm theo lệnh của thuyền trưởng. Quyết định của thuyền trưởng đưa ra là lập tức được thi hành ngay, và chính xác đến từng ly. Đôi khi quyết định đó có ý nghĩa sinh tử với toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu nhưng thuyền trưởng buộc phải đưa ra trong tích tắc. Vì thế trách nhiệm của thuyền trưởng rất nặng. Đã quen với việc ra lệnh nên khi về nhà, lắm khi mình theo thói quen, cứ ngỡ như đang ở trên tàu, nên lại ra lệnh với vợ con. Lúc vui còn thông cảm, lúc đang buồn là không chỉ vợ mà con cái chúng nó cũng giận hờn, dù lâu lâu mới về nhà. Cũng may là vợ con mình đều hiểu, chia sẻ nhiều trong công việc nên mình rất yên tâm.
Thuyền trưởng Sơn cho biết, vì đặc thù công việc nên “dân tàu SAR” bất cứ lúc nào điện thoại cũng kè kè bên người, pin đầy sóng đủ. Ngay cả những ngày biển êm, thì tất cả các sĩ quan, thuyền viên cũng không dám đi đâu xa, bởi chỉ cần có lệnh báo là 15 phút sau tất cả mọi người phải có mặt đầy đủ tại tàu và tức tốc lên đường.
“Vật lộn” với biển cứu người
Các anh không thể nhớ hết những chuyến ra khơi cứu nạn, nhưng điều mà lần ra khơi nào các anh cũng gặp đó là tàu phải hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt của biển khơi, các sĩ quan, thuyền viên trên tàu luôn đối mặt với hiểm nguy.
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cho hay, lúc căng thẳng nhất là thời điểm tiếp cận tàu gặp nạn. Trong điều kiện sóng to, gió lớn, chỉ cần sơ suất không giữ được khoảng cách an toàn là sóng xô hai tàu vào nhau ngay lập tức. Những lúc như thế các anh như “vật lộn” trên biển nhiều giờ liền mới cứu được ngư dân và lai dắt tàu bị nạn vào bờ.
Thuyền trưởng Sơn kể, họ như có cái duyên với bà con Bình Định. Chả hiểu sao, tất cả những lần cứu tàu cá của ngư dân Bình Định, đều là “thập tử nhất sinh”. Trong đó vụ cứu tàu cá cùng 10 ngư dân trên tàu BĐ 1867-TS của ông Trương Đời (ở thôn Lâm Trúc 1, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) vào năm 2005 làm anh em thuyền viên trên tàu SAR 412 không ai quên.
Tàu cá BĐ 1867-TS bị chết máy và trôi dạt trên biển giữa sóng gió cấp 6, cấp 7, phát tín hiệu cứu nạn xong thì mất liên lạc hoàn toàn với đất liền. Do mất liên lạc nên thuyền trưởng cùng các thuyền viên trên tàu SAR 412 chỉ còn biết cách dựa vào kinh nghiệm đi biển để tính toán, xác định vị trí tàu gặp nạn ban đầu, dự đoán tàu gặp nạn đang trôi dạt theo hướng nào tổ chức tìm kiếm. Ròng rã suốt cả đêm tìm kiếm trên biển mới gặp được tàu bị nạn. Nghe kể lại thì khó cảm nhận nỗi lo lắng, căng thẳng lắm. Trễ muộn một phút là cơ hội cứu nạn lại cách xa thêm rất nhiều. Chưa tìm thấy bà con, không ai chợp mắt được. Khi tìm được, ngư dân trên tàu cá hầu như đã kiệt sức, sau 5 ngày bị trôi dạt và chống chọi với sóng biển. Do biển động mạnh, việc lai dắt tàu gặp nạn gặp không ít khó khăn, 3 lần dây lai dắt bị đứt, sóng đánh dạt tàu bị nạn ra xa đến 10 hải lý sau nhiều giờ vật lộn với sóng, gió phải mất một ngày mới đưa được tàu gặp nạn cùng các ngư dân cập cảng Nha Trang (Khánh Hòa) an toàn. Kể xong vụ cứu nạn, ông Sơn mở hộc tủ lấy ra lá thư của ông Trương Đời viết rất cảm động gửi cảm ơn tập thể tàu SAR 412 sau khi được cứu sống.
Vụ cứu tàu cá Bình Định thứ hai mà ông Sơn bảo phải “vật lộn” với sóng biển nhiều giờ liền mới đưa được tàu cá và ngư dân gặp nạn vào bờ. Đó là tàu cá BĐ 91069-TS cùng 11 ngư dân do Phan Minh Tính (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) làm thuyền trưởng gặp nạn trong năm 2011. Sau khi tiếp cận được tàu cá gặp nạn, phải mất hơn 12 tiếng đồng hồ vật lộn với sóng to, gió lớn của gió mùa Đông Bắc cấp 8, cấp 9, tàu SAR 412 mới lai dắt tàu cá bị nạn cùng 11 ngư dân cập cảng Nha Trang (Khánh Hòa) an toàn.
Vụ mới đây nhất là tàu SAR 412 cứu vớt 13 ngư dân trên tàu cá BĐ 95393-TS do ông Võ Văn Lẫy (34 tuổi, ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng bị tàu hàng đâm chìm trên vùng biển Quảng Trị vào ngày 26.10.2014.
Thủy thủ trưởng Trần Nam Trung (44 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) là thuyền viên người Bình Định duy nhất trên tàu cứu nạn SAR 412, có 8 năm gắn bó với con tàu cứu nạn, tâm sự: “Lúc đi làm nhiệm vụ thì không ai còn nghĩ tới điều gì khác nữa. Bất kể đó là sóng to gió lớn, hiểm nguy…, chỉ còn nghĩ đến duy nhất một điều - làm sao để cứu được người bị nạn thật sớm và đưa họ vào bờ an toàn nhanh nhất. Điều kiện trên biển khó khăn hay nguy hiểm mức nào chúng tôi cũng phải cố hết sức để tìm cho đủ ngư dân, mới yên tâm trở về hoặc phải lai dắt tàu cá gặp nạn cập bờ mới xem là hoàn thành nhiệm vụ. Riêng tôi, thú thật thế này, mình là người Bình Định, nên những khi cứu được các ngư dân đồng hương, lúc đưa họ lên tàu, tôi có cảm giác như vừa cứu được người thân ruột thịt của mình vậy. Cái cảm giác đó nó kỳ lạ lắm anh ạ, nó tiếp thêm nghị lực và sức mạnh tinh thần để mình lại tiếp tục ra khơi!”.
Tàu cứu nạn SAR 412 do Hà Lan sản xuất có công suất 6.310 CV, tốc độ tối đa 26 hải lý/giờ là 1 trong 3 tàu cứu nạn hiện đại nhất Việt Nam tại thời điểm này. Toàn bộ sĩ quan, thuyền viên trên tàu có 22 người đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng chịu đựng sóng gió, yêu nghề, không sợ khó khăn nguy hiểm. Từ năm 2005 đến ngày 14.11.2014, tàu SAR 412 đã cứu được 397 người (2 người nước ngoài), lai dắt 21 tàu cá vào bờ an toàn, tìm vớt đưa 11 thi thể ngư dân vào bờ; riêng từ đầu năm 2014 đến nay, tàu SAR 412 đã thực hiện 14 vụ đã cứu được 91 người, lai dắt 4 tàu cá vào bờ an toàn. Đối với Bình Định, tàu SAR 412 đã cứu được 42 ngư dân, lai dắt 3 tàu cá vào bờ an toàn.
NGUYỄN PHÚC