Xã Ân Tường Tây (Hoài Ân):
Bờ sông Kim Sơn sạt lở ngày càng nhiều
Hàng chục hộ gia đình ở các thôn Phú Hữu 2, Phú Khương, Tân Thạnh, Hà Tây (xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân) sống cạnh sông Kim Sơn đang ăn ngủ không yên khi mùa mưa lũ đang đến gần. Nước sông làm sạt lở bờ ngày càng sâu, nhiều đám ruộng, hoa màu, nhiều khu vườn đã bị sông cuốn trôi. Đáng lo nhất là nhiều ngôi nhà chỉ còn cách khu vực sạt lở từ 5 - 10m, có nguy cơ bị dòng sông “nuốt” bất cứ lúc nào.
Khoảng 5 năm trở lại đây, bờ sông Kim Sơn đoạn chảy qua xóm 6B, thôn Phú Hữu 2 bị sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào khu dân cư gần 20 m; trung bình mỗi năm sạt lở ăn sâu vào bờ 2 - 3 m. Phần lớn diện tích đất màu dọc bờ sông của người dân nơi đây đã bị xâm thực hoàn toàn.
Chị Trần Thị Minh, 37 tuổi - một hộ có nhà ở kiên cố ở xóm 6B, thôn Phú Hữu 2, đưa chúng tôi ra mé sông, chỉ tay vào khu đất nằm chơ vơ giữa dòng nước, cách bờ chừng 4m, chị kể: “Đó vốn là vườn nhà tôi đấy. Đêm nằm ngủ nghe tiếng ầm ầm tưởng động đất, chạy vội ra khỏi nhà mới hay, cả một góc vườn cùng cây cối bị kéo tụt hết xuống sông. Sông đã cuốn trôi gần 2 sào đất vườn phía sau nhà. Hiện tại mùa mưa bão đã đến gần, nếu chính quyền không sớm giúp dân có biện pháp ứng phó thì nguy cơ chúng tôi sẽ không còn nhà ở”.
Theo người dân, năm 2010, từ khi xuất hiện, kênh dẫn nước về trạm bơm Ân Hữu chặn giữa dòng sông nên mỗi khi nước từ thượng nguồn đổ về, bị hệ thống kênh dẫn này chặn lại, dòng chảy bị thay đổi, hướng vào đoạn bờ sông khu vực xóm 6B, nạn lở bờ gia tăng từ đó. Ngoài ra, tình trạng một số người lén lút khai thác cát khiến nạn sạt lở bờ sông thêm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Dược, Trưởng thôn Phú Hữu 2, phân trần: “Tâm lý lo sợ của người dân về tình trạng sạt lở bờ sông đang thường trực. Thực tế, tình trạng sạt lở dọc tuyến sông Kim Sơn diễn ra nhiều năm nay, lấy đi nhiều diện tích đất hoa màu của bà con và đang tiếp cận đến vườn và nhà ở của 48 hộ dân trong thôn”.
Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn xã Ân Tường Tây, không chỉ có thôn Phú Hữu 2 mà nhiều khu vực khác có sông Kim Sơn chảy qua, như: khu vực bến Cây Duối thuộc xóm Hòa Bình, thôn Phú Khương; khu vực xóm Hà Giang, thôn Hà Tây hay khu vực Truông Gò Bông, thuộc xóm Đồng Chăm, thôn Tân Thạnh nạn sạt lở, xâm thực đang diễn ra với tốc độ chóng mặt; phạm vi sạt lở kéo dài từ 300 - 500m, độ sâu từ 3 - 4m, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của trên 70 hộ dân khác đang sinh sống dọc theo bờ sông.
Theo UBND xã Ân Tường Tây, từ năm 2010 đến nay, đất dọc bờ sông Kim Sơn bị sạt lở dài gần 1km. Số hộ dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng xâm thực, sạt lở bờ sông là hơn 100 hộ.
Theo ông Phạm Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, thì: Hằng năm, để hạn chế nạn bờ sông bị sạt lở, địa phương đã vận động nhân dân trồng cây keo, bạch đàn, cây chuối để giữ đất; đồng thời, tiến hành gia cố tuyến sông bằng cách đóng cọc tre, bỏ bao cát xuống để giữ vững chân. Song cứ đến mùa mưa lũ, sông lại cuốn phăng. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện để xin chủ trương xây dựng bờ kè tại các điểm sạt lở nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trước mắt, khi mưa bão đến sẽ vận động người dân sơ tán, trú tạm ở các nhà văn hóa hoặc họ hàng có nhà tọa lạc ở những vị trí cao ráo, an toàn… chứ không còn cách nào khác”- ông Đệ bày tỏ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Cần - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố vượt ngoài khả năng của địa phương; huyện cũng chỉ biết chờ đợi cấp trên. Trong khi chờ UBND tỉnh giải quyết, hiện nay huyện đã chỉ đạo UBND xã Ân Tường Tây chủ động theo dõi, thông báo tình hình sạt lở, xây dựng phương án di dời dân khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Đồng thời, đề nghị chính quyền xã phối hợp với người dân có biện pháp kè, chống tạm thời bằng cọc tre, cọc gỗ, rọ đá... ở những điểm xung yếu để hạn chế sạt lở”.
TRỌNG LỢI